5 Nguyên Nhân Làm Nhà Tuyển Dụng Bỏ Qua Bạn Trên LinkedIn

Tạo hồ sơ và tìm việc trên LinkedIn là một trong những cách hữu hiệu nhất được sử dụng bởi nhiều bạn trẻ hiện nay. Nhưng khi có những bạn nhận được lời mời “tới tấp” thì cũng có không ít bạn phàn nàn rằng rất ít hoặc không có nhà tuyển dụng nào liên lạc với mình. 

Việc nhà tuyển dụng chọn kết nối và mang đến cơ hội cho bạn hay không, thực chất phụ thuộc rất nhiều vào chính profile của bạn. Từ chia sẻ của một số nhà tuyển dụng uy tín, Kabala Career đã tổng hợp 5 “red flag” khiến nhà tuyển dụng bỏ qua tài khoản LinkedIn của bạn dưới đây.

1. Cách viết tiêu đề quá nghèo nàn

LinkedIn đang dần trở thành phiên bản online và mở rộng hơn cho resume hoặc CV của bạn. Không chỉ công ty bạn ứng tuyển mà rất nhiều tổ chức và cá nhân khác cũng có khả năng nhìn thấy bạn và các kinh nghiệm làm việc qua từng năm. Do đó, một việc nên làm là bạn sử dụng các tiêu chuẩn cơ bản trong đơn xin việc cứng ngay trên tài khoản LinkedIn của mình.

Bắt đầu ngay với headline của bạn, hay chính là phần tiêu đề. Phần này có thể thể hiện phần nào kỹ năng giao tiếp của bạn và các nhà tuyển dụng thường sẽ chọn “lướt” qua các tài khoản chỉ ghi quá cụt lủn như “Tìm việc làm remote”.

5 nguyen nhan lam nha tuyen dung bo qua ban tren linkedin 65c977f89cd6c
Bạn cần chăm chút ngay từ phần Headline trong profile LinkedIn.

Bạn hãy nên thêm vào headline các chi tiết như công việc và vị trí cụ thể mà bạn đang tìm, số năm kinh nghiệm chuyên môn và một số điều thú vị nhưng vẫn có sự liên quan khác.

 2. Kỹ năng và thành tựu không rõ ràng 

Trong cách sử dụng LinkedIn, việc không bao gồm các kỹ năng và thành tựu trong công việc hoặc học tập là một thiếu sót lớn. Nhưng kể cả khi đã liệt kê ra một số kỹ năng nhưng không thể hiện được nền tảng, minh chứng cho các kỹ năng đó, thì profile LinkedIn của bạn cũng dễ dàng bị bỏ qua bất cứ lúc nào.

Vì vậy cho mỗi vị trí trong phần kinh nghiệm hoặc học vấn, bạn nên diễn tả chi tiết các thành tựu bạn mang lại (cùng số liệu rõ ràng) với các kỹ năng được sử dụng theo cách nào. Có vậy bạn mới có thể thu hút sự chú ý từ những kẻ săn đầu người.

3. Không thể hiện sự quan tâm, hứng thú

Các nhà tuyển dụng thường có hứng thú hơn với những ứng viên tiềm năng nồng nhiệt. Tinh thần “làm cho có” và thiếu nhiệt được thể hiện qua profile có thể khiến nhà tuyển dụng bỏ qua bạn.

Bạn có thể bày tỏ sự quan tâm của mình qua nhiều cách. Cách tiếp cận công khai nhất là kích hoạt khung #OpenToWork trên ảnh hồ sơ của mình.

5 nguyen nhan lam nha tuyen dung bo qua ban tren linkedin 65c977f8d971a
Cài trạng thái #OpenToWork.

Ngoài ra, một tính năng mới của LinkedIn cho phép bạn thể hiện rõ ràng sự quan tâm của mình tới các công ty nhất định:

  • Truy cập phần Giới thiệu (About) trên trang của công ty.
  • Tìm đến phần “Bạn muốn làm việc với chúng tôi trong tương lai?” (Interested in working with us in the future?)
  • Nhấp vào phần “Tôi quan tâm” (I’m interested)
5 nguyen nhan lam nha tuyen dung bo qua ban tren linkedin 65c977f915edb
Tính năng này rất có ích nhưng chưa khả dụng với tất cả các công ty.

LinkedIn sẽ chia sẻ riêng hồ sơ của bạn với các nhà tuyển dụng của công ty trong tối đa một năm.

Bạn cũng có thể theo dõi một công ty mà bạn quan tâm trên LinkedIn. Hoạt động này sẽ giúp đội ngũ nhân tài biết đến sự hiện diện của bạn do bạn sẽ xuất hiện trong kết quả tìm kiếm Nhà tuyển dụng (Recruiter) của họ. Tính năng này chỉ biến mất khi bạn hủy theo dõi công ty.

Ngoài ra, bạn có thể kiểm tra cài đặt quyền riêng tư của LinkedIn trong tùy chọn Dữ liệu và Tìm việc. Ở đó, bạn sẽ tìm thấy các tùy chọn bổ sung để làm cho hồ sơ của bạn dễ thấy hơn đối với nhà tuyển dụng.

5 nguyen nhan lam nha tuyen dung bo qua ban tren linkedin 65c977f961036
Nhấn Follow LinkedIn công ty sẽ tăng khả năng bạn được công ty nhận diện.

4. Thông tin không nhất quán

Một điều bạn nên lưu ý là thông tin trên tài khoản LinkedIn cần nhất quán với thông tin trong hồ sơ xin việc như resume và CV. Các thông tin đó bao gồm ngày tháng, tên công việc, vị trí làm việc, v.v.

Trước đây nhiều người có thể không quá lưu ý phần này trong profile LinkedIn. Nhưng các nhà tuyển dụng thực chất rất quan tâm tới mức độ tương đồng và sự nhất quán trên.

Theo quan điểm của một số nhà tuyển dụng chuyên nghiệp đã có nhiều năm kinh nghiệm, điểm ngoại lệ duy nhất có thể được bỏ qua là trạng thái “đang làm việc” trên LinkedIn.

Hệ thống LinkedIn thường không ưu tiên các ứng viên đang không có việc làm. Do đó để tránh tình trạng profile bị “dìm” và ít được tìm thấy, cho dù bạn đã nghỉ việc, bạn có thể giữ nguyên trạng thái vẫn đang làm cho công ty gần đây nhất cho đến khi nhận được phỏng vấn và làm ở công ty mới.

5. Chỉ giới hạn trong công việc remote

Một nghiên cứu gần đây từ LinkedIn cho thấy tỷ lệ tìm việc làm từ xa đã cao lên trông thấy vào năm 2022. Tuy nhiên giờ đây, 85% các công việc được đăng tuyển dụng trên LinkedIn là làm on-site hoặc theo chế độ hybrid. Vì thế nếu bạn thể hiện ý muốn chỉ muốn làm tại nhà, thì một số nhà tuyển dụng sẽ bỏ qua bạn ngay.

profile linkedin
Thể hiện sự linh hoạt, tinh thần sẵn sàng trong profile LinkedIn.

Khi một ứng viên thật sự gây ấn tượng và có giá trị với một công ty, họ có khả năng sẽ được tạo điều kiện làm việc từ xa kể cả nếu chế độ của công ty chưa cho phép. Một số nhà tuyển dụng cũng sẽ ưu tiên các ứng viên sẵn sàng có mặt tại công ty khi cần, dù tần suất có ít. Do đó, trừ trường hợp bạn thật sự không thể lên công ty hoặc bạn chỉ đang tìm một việc tay trái, bạn nên cân nhắc để các trạng thái tìm việc khác ngoài “Chỉ tìm việc remote”.

Quá trình tìm kiếm việc làm sẽ cần bạn bỏ sự đầu tư và nỗ lực nhất định. Bạn nên cập nhật profile LinkedIn thường xuyên và theo cách phù hợp để không bị “ra đảo” chỉ vì những lỗi nhỏ nhặt. 

Đọc thêm: Kết Nối Trên LinkedIn Cùng Các Mẫu Tin Nhắn Networking


5 Nguyên Nhân Làm Nhà Tuyển Dụng Bỏ Qua Bạn Trên LinkedIn
Nguồn: glints.com

Tìm kiếm thêm bài có từ khóa:
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC MIỄN PHÍ

Nhập thông tin của bạn để xem Thần số học miễn phí từ Kabala: Đường đời, sự nghiệp, sứ mệnh...

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)