5 Nỗi Sợ Thay Đổi Nghề Nghiệp Phổ Biến Và Cách Để Vượt Qua

Thay đổi nghề nghiệp hay chuyển việc luôn là vấn đề mà nhiều người đặt tâm tư vào vì nó liên quan đến sự nghiệp của họ. 

Theo khảo sát nhân viên toàn cầu của Globalization Partner năm 2022, hơn một phần tư người Mỹ có thể thay đổi nghề nghiệp vào năm 2023. Trong đó, 3 lý do phổ biến nhất dẫn đến quyết định của họ là mức lương cao hơn, cơ hội thay đổi lịch làm việc và những cơ hội nghề nghiệp không có được khi họ còn trẻ. 

Tuy nhiên, thay đổi nghề nghiệp đôi khi là trải nghiệm không mấy dễ dàng. Có rất nhiều người phải đối mặt với những nỗi sợ thay đổi nghề nghiệp và cứ mãi luẩn quẩn với công việc không đem lại cho họ sự thoả mãn. 

Những nỗi sợ đó là gì và làm thế nào để vượt qua? Bài viết này sẽ cho bạn câu trả lời với 5 nỗi sợ thay đổi nghề nghiệp thường gặp nhất theo Forbes. 

Sợ thất bại

Một trong những nỗi sợ thay đổi nghề nghiệp phổ biến nhất là sợ thất bại. Phần lớn nỗi sợ thất bại đến từ cảm giác thất vọng và xấu hổ. Chúng ta sợ bị người khác chê cười và trở nên yếu kém trong mắt người khác. Nỗi sợ này kìm hãm chúng ta dám bước ra khỏi vùng an toàn và can đảm nắm lấy cơ hội mới.

noi-so-that-bai
Chúng ta thường sợ thất bại khi thay đổi nghề nghiệp

Nỗi sợ thất bại có thể làm tê liệt tất cả những động lực bên trong thúc đẩy chúng ta thay đổi, khiến chúng ta nhụt chí và không muốn làm gì cả. 

Có một cách giải quyết nỗi sợ thất bại hiệu quả theo gợi ý của Forbes. 

Hãy nghĩ về tất cả các tình huống xấu có thể xảy ra, càng cụ thể càng tốt và ghi chúng lại. Sau đó lần lượt là điều bạn có thể làm để giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra của những tình huống đó, điều bạn sẽ làm nếu chúng xảy ra và cuối cùng là đánh giá khả năng xảy ra của tình huống xấu nhất trên thang từ 1 (không có khả năng xảy ra) đến 10 (rất có khả năng xảy ra). 

Bạn có thể kẻ một bảng cụ thể như sau để dễ hình dung và theo dõi: 

Những tình huống xấu Mình có thể làm gì để ngăn các tình huống xấu này xảy ra?  Mình sẽ làm gì để trở lại đúng hướng nếu tình huống xấu xảy ra Khả năng xảy ra tình huống xấu này là gì?

Bài tập đơn giản này giúp bạn cụ thể hoá những thứ hình thành nỗi sợ thay đổi nghề nghiệp của mình. Đôi khi không biết rõ về nó chính là vấn đề lớn nhất vì điều gì càng mơ hồ càng khiến lòng bạn hoang mang. 

Một khi đã hiểu rõ nỗi sợ của mình, bạn sẽ thấy những tình huống có thể không xảy ra hoặc hoàn toàn trong tầm kiểm soát của bạn. 

Sợ người khác nghĩ gì về mình

Những người hay bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác rất dễ bị kìm hãm trong chuyện thay đổi nghề nghiệp. Ý kiến của một người thân hoặc ai đó mà chúng ta tin tưởng và tôn trọng có thể ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta. 

Làm trái lời khuyên của bố mẹ, từ bỏ một nghề nghiệp ổn định và theo đuổi ước mơ khiến họ thất vọng về bạn. Cảm giác này khiến bạn không dám thay đổi. 

Tuy nhiên, đến cuối cùng thì bạn mới là người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định của mình. Do đó, đừng để người khác làm ảnh hưởng quá nhiều đến quyết định của bạn. Việc tham khảo ý kiến và lời khuyên đương nhiên là cần thiết, nhưng hãy xem xét chúng một cách khách quan. 

Để vượt qua nỗi sợ này, hãy tập trung vào mục đích và ý định ban đầu của bạn. Bạn muốn thay đổi nghề nghiệp vì lý do gì? Bạn muốn có một cuộc sống tốt hơn hay muốn tránh xa khỏi một môi trường độc hại? Suy nghĩ về những lý do dẫn đến ý định đổi nghề, bạn sẽ không có thời gian nghĩ về thái độ, đánh giá của người khác. 

Sợ mình quá già để thay đổi nghề nghiệp

noi-so-thay-doi-cong-viec
Chúng ta thường sợ mình quá già để thay đổi công việc

Chúng ta sống trong một xã hội dường như đã được lập trình sẵn, rằng ở độ tuổi nào thì nên làm những việc ở độ tuổi đó. 18 tuổi vào đại học, 22 tuổi tốt nghiệp, 27 tuổi lập gia đình, sinh con và đến năm 30 tuổi thì nên có một công việc ổn định. Nếu có bất cứ sự thay đổi nào đó khiến chúng ta không đi đúng theo con đường này; sự bất an từ bên trong chúng ta và cái nhìn phán xét từ xã hội bắt đầu bủa vây. 

Thay đổi nghề nghiệp khi 30 hay 40 đúng là có chút đáng sợ nhưng không phải là không thể. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ, tỷ lệ người lớn tuổi đổi nghề thành công rất cao. 

Cách đối mặt với nỗi sợ tuổi tác là hãy nghĩ về những lợi thế mà bạn có được trong bao năm qua. Kinh nghiệm làm việc, kiến thức chuyên môn, các kỹ năng và cả các mối quan hệ trong công việc đều là lợi thế giúp bạn tìm được một công việc mới phù hợp hơn. 

Đọc thêm: Top 15 Ngành Nghề Có Triển Vọng Trong Tương Lai

Sợ lãng phí kinh nghiệm vốn có

Phải bắt đầu lại từ đầu là nỗi sợ thay đổi nghề nghiệp kinh điển. Tuy nhiên, điều này không đúng hoàn toàn. Khi tâm trí bị những nỗi sợ lấp đầy, chúng ta thường quên đi những gì mình đang có sẵn. Bạn có nhiều kỹ năng chuyển giao (transferable skills) và những kỹ năng mềm như giao tiếp, lãnh đạo hơn mình nghĩ đấy. Những kỹ năng này giúp bạn “sống sót” với bất cứ công việc nào. 

Ngoài ra, bạn còn có thể dựa vào vòng trong kết nối của mình – nơi những cơ hội nghề nghiệp có thể đến bất cứ lúc nào. 

Đừng lo rằng phải bắt đầu từ hai bàn tay trắng vì bạn đã có một hành trang trong chính bản thân mình. 

Sợ sự không chắc chắn

Không điều gì có thể đảm bảo bạn có một công việc phù hợp sau khi quyết định đổi nghề. Sẽ luôn có những rủi ro nhưng điều quan trọng là bạn dự đoán trước và linh hoạt giải quyết chúng. Có rất nhiều cách để biến rủi ro thành cơ hội như đúc kết kinh nghiệm hay nâng cao kỹ năng của bản thân, v.v. 

Sự không chắc chắn luôn hiện diện, đặc biệt khi thay đổi một điều gì đó. Nhưng với tư duy và ý chí kiên cường, bạn sẽ có can đảm để đối mặt với những điều bất ngờ phía trước. 

Kết

Cảm thấy lo lắng và e ngại khi quyết định thay đổi nghề nghiệp là chuyện hết sức bình thường. Điều quan trọng là không để những nỗi sợ cản trở ý chí và mục tiêu ban đầu của bạn. Để làm chủ nỗi sợ thay đổi nghề nghiệp bạn cần học cách nhận thức chúng và trò chuyện với chính bản thân mình để không bị nỗi sợ chi phối.


5 Nỗi Sợ Thay Đổi Nghề Nghiệp Phổ Biến Và Cách Để Vượt Qua
Nguồn: glints.com

Tìm kiếm thêm bài có từ khóa:
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC MIỄN PHÍ

Nhập thông tin của bạn để xem Thần số học miễn phí từ Kabala: Đường đời, sự nghiệp, sứ mệnh...

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)