Xây dựng một chiến dịch social media marketing hoàn chỉnh là chuyện nói dễ, làm khó.
Có rất nhiều yếu tố bạn cần phải cân nhắc khi tạo dựng kế hoạch quảng bá thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội. Và chỉ cần thiếu sót một yếu tố nào đó, chiến dịch của bạn có thể không mang lại được hiệu quả như mong đợi.
Mỗi người sẽ có những cách xây dựng kế hoạch của riêng mình. Tuy nhiên, các bước dưới đây sẽ giúp bạn có được một nền tảng vững chắc cho chiến dịch marketing thành công trên các kênh social media của mình.
Đặt mục tiêu cụ thể
Bước đầu tiên và không thể thiếu khi hình thành bất cứ một kế hoạch nào đó chính là đặt ra các mục tiêu cụ thể để theo đuổi.
Ngay từ khi bắt đầu khởi tạo một chiến dịch social media marketing, bạn cần đặt câu hỏi: chiến dịch này cần mang lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp của bạn? Trả lời câu hỏi này sẽ xác định các bước khác mà bạn cần thực hiện trong chiến dịch của mình.
Thông thường, một chiến dịch social media marketing sẽ được tạo ra để đạt được một, hoặc một vài các mục tiêu chung sau:
- Nâng cao nhận thức về thương hiệu
- Tăng mức độ tương tác
- Thu hút khách hàng tiềm năng
- Tăng doanh số bán hàng
Tuy nhiên, những mục tiêu chung chung này là chưa đủ. Bạn cần phải cụ thể hóa chúng một cách rõ ràng nhất. Để làm được điều này, hãy sử dụng mô hình SMART.
Theo mô hình này, mục tiêu của bạn phải đáp ứng đủ 5 tiêu chí:
- Specific (cụ thể)
- Measurable (có thể đo lường)
- Attainable (có thể đạt được)
- Relevant (phù hợp, liên quan)
- Time-bound (trong thời hạn nhất định).
Bên cạnh đó, điều quan trọng là phải xác định rõ các chỉ số (social metrics) mà bạn sẽ sử dụng để đo lường tính hiệu quả trong việc đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Đọc thêm: Các Chỉ Số Đo Lường Hiệu Quả Trên Social Media
Xác định đối tượng mục tiêu
Cốt lõi của một chiến dịch marketing thành công trên social media chính là việc có thể kết nối với một đối tượng cụ thể bằng các bài đăng trên mạng xã hội. Ngay cả khi có một ý tưởng tuyệt vời, nếu nội dung của bạn không nhắm trúng mục tiêu đối tượng, chiến dịch có thể sẽ thất bại.
Vì vậy, trong bước tiếp theo cần làm để tạo dựng chiến dịch social media marketing, bạn sẽ cần xác định và tạo ra phân khúc khán giả cần hướng đến.
Không có giới hạn nào cho việc xác định đối tượng mục tiêu. Đó có thể là Tên, Giới tính, Tuổi, Nơi ở, Điểm đau, Các kênh truyền thông xã hội yêu thích, Sở thích, Điều không thích, v.v.
Bạn càng có một cái nhìn sâu sắc và rõ ràng về khán giả của mình, thì khả năng chiến dịch của bạn được đón nhận càng cao.
Nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh
Phân tích cạnh tranh cho phép bạn hiểu đối thủ cạnh tranh là ai, họ đang làm tốt và không tốt ở điểm nào.
Thêm vào đó, việc này cũng sẽ giúp bạn hiểu rõ về những tiêu chuẩn nội dung được mong đợi trong lĩnh vực của mình. Đồng thời, nó cũng sẽ giúp bạn phát hiện ra các cơ hội cho doanh nghiệp của mình, điều mà các đối thủ chưa đụng tới, hoặc làm chưa tốt.
Chọn các kênh truyền thông xã hội
Khi chạy một chiến dịch social media marketing, không phải lúc nào phủ sóng ở nhiều nền tảng khác nhau cũng mang lại hiệu quả cao nhất.
Bạn vẫn có khả năng nhận được kết quả tốt hơn khi tập trung vào một vài kênh truyền thông xã hội chính. Miễn sao chúng là những cầu nối phù hợp nhất với khách hàng của bạn.
Từ việc xác định đối tượng mục tiêu, bạn sẽ có ý tưởng về các kênh truyền thông xã hội yêu thích mà họ hay sử dụng. Đôi khi, việc lựa chọn kênh phân phối nội dung nào cũng phụ thuộc vào loại sản phẩm hoặc dịch vụ bạn đang cung cấp.
Một cách khác để lựa chọn các kênh truyền thông xã hội cho chiến dịch social media marketing của bạn là dựa vào việc phân tích tính hiệu quả của các chiến dịch trước đó.
Đọc thêm: Các Kênh Social Media Tiềm Năng Cho Hoạt Động Marketing Online
Tạo lập chiến lược nội dung
Một chiến dịch marketing thành công trên social media luôn phải bảo đảm truyền tải nội dung nhất quán. Chính vì vậy, chọn một thông điệp chính cho toàn bộ chiến dịch là điều thiết yếu.
Có một thông điệp chính sẽ giúp bạn dễ dàng xác định các chủ đề nhỏ xoay quanh thông điệp đó. Điều này giúp các nội dung được tạo ra một cách có chủ đích và ý đồ, tránh việc bị lộn xộn, không liên quan hay trùng lặp ý tưởng.
Bên cạnh đó, để chiến dịch social media marketing trở nên hiệu quả, bạn cũng cần xác định các loại hình thể hiện phù hợp với từng loại nội dung.
Ví dụ như khi nào sử dụng hình ảnh, khi nào dùng video, hay khi nào sử dụng dạng nội dung câu hỏi để kêu gọi khán giả đưa ra ý kiến hoặc nhận xét của họ.
Không chỉ vậy, hãy đa dạng hóa các loại nội dung để đạt được nhiều mục tiêu khác nhau. Một công thức thường xuyên được sử dụng khi xây dựng chiến dịch social media marketing là quy tắc 80/20. Trong đó,
- 80% bài đăng phải hữu ích cho khán giả, chẳng hạn như có tính giáo dục, cung cấp thông tin cần thiết, các giải pháp cho vấn đề của khách hàng, hoặc mang tính giải trí.
- 20% có thể trực tiếp quảng bá thương hiệu của bạn.
Lên lịch nội dụng
Chia sẻ nội dung hay là điều cần thiết cho một chiến dịch marketing thành công trên social media. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là các nội dung này cần được đăng tải một cách có trật tự và sắp xếp hợp lý.
Vậy nên, việc lập sẵn một content calendar (lịch đăng tải nội dung) sẽ giúp chiến lược nội dung của bạn đạt được hiệu quả tối đa.
Khi có một content calendar hoàn chỉnh cho social media marketing, bạn có thể quản lý các nội dung của mình từ khi bắt đầu chiến dịch cho đến khi kết thúc.
Từ đó, kiểm soát dễ dàng các thông tin đăng tải, tránh tình trạng ngày đăng ít, ngày đăng nhiều, hay bị trùng lặp hoặc bỏ sót nội dung nào.
Một số yếu tố quan trọng cần có trong lịch của bạn bao gồm:
- Nội dung các bài đăng: nó được tạo ra để nói về chủ đề gì?
- Định dạng bài đăng: nội dung được thể hiện dưới hình thức nào?
- Thời gian đăng bài: nội dung được đăng tải vào thời điểm nào?
- Người chịu trách nhiệm: với mỗi bài đăng, cần biết rõ ai là người chịu trách nhiệm thực hiện, về cả phần hình và chữ.
Theo dõi hiệu quả
Bạn không thể cho rằng mình sẽ làm được social media marketing hiệu quả ngay trong lần thử đầu tiên.
Khi kế hoạch đi vào hoạt động, bạn có thể thấy rằng chiến lược hiện tại không hoạt động tốt như mong đợi. Và đó là lý do việc theo dõi tính hiệu quả của chiến lược là vô cùng quan trọng.
Việc này còn có thể cung cấp thông tin chi tiết để giúp điều chỉnh chiến lược truyền thông xã hội của bạn ngay cả khi chiến dịch vẫn đang chạy.
Điều bạn cần làm là xem xét các chỉ số hiệu suất đã được xác định từ bước 1. Bạn quan tâm đến những chỉ số đo lường nào nhất, và theo dõi xem nó có đang đạt được mức độ như kỳ vọng hay không.
Bạn sẽ cần kiểm tra hiệu suất của tất cả các kênh truyền thông xã hội của mình ít nhất một lần mỗi tuần.
Bạn cũng có thể sử dụng thông tin này để kiểm tra tính hiệu quả của các bài đăng khác nhau, cũng như các chiến dịch khác nhau.
Thử nghiệm liên tục cho phép bạn hiểu điều gì hiệu quả và điều gì không hiệu quả, và có thể tinh chỉnh chiến lược nội dung của mình kịp thời.
Đọc thêm: Ngoài Social media, marketing còn bao gồm những gì?
Nếu những thông tin trên hữu ích với bạn, hãy click ngay vào hashtag Marketing bên dưới để cập nhật những bài viết mới nhất về ngành Marketing nhé!
7 Bước Cơ Bản Xây Dựng Một Chiến Dịch Social Media Marketing Thành Công
Nguồn: glints.com