Niềm tin chính là động lực thúc đẩy mỗi chúng ta tiến đến gần hơn với mục tiêu của bản thân. Nhưng càng lớn, chúng ta đôi lúc lại càng khó để giữ vững những niềm tin ấy, đặc biệt là khi bạn đánh mất niềm tin vào cuộc sống.
Có điều này có thể bạn chưa biết, hoặc biết nhưng giả vờ như không. Vốn dĩ bạn đánh mất niềm tin vào cuộc sống, không phải vì bạn quá thất vọng về cuộc sống này. Mà là vì bạn đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào nó, hơn hết là kỳ vọng của bạn dành cho chính bản thân mình – nhưng không có can đảm chấp nhận hiện thực.
Vì đâu các bạn trẻ dễ đánh mất niềm tin vào cuộc sống?
Trải nghiệm chính là một trong những cách chân thực nhất để cuộc sống dạy chúng ta những bài học cần thiết. Nếu những thành công có thể là bước đệm đầu tiên để ta chứng tỏ năng lực, thì thất bại chính là phần khẳng định rằng bạn có đủ bản lĩnh xứng đáng với những mục tiêu phía trước hay không.
Con người sẽ phải trải qua một số cuộc khủng hoảng nhất định trong đời của mình. Khủng hoảng tuổi 18, tuổi 20, tuổi 30, hay hậu 40 là những mốc thời gian được mọi người chú tâm hơn cả.
Liệu bạn đã từng đánh mất niềm tin vào cuộc sống và vào cả chính mình chỉ vì mắc sai lầm, phạm lỗi, thất bại? Bạn đã từng thiếu tự tin về bản thân vì những đặc điểm ngoại hình không hoàn hảo, hay không thể đi trên con đường mình chọn?
Mỗi người đều có cách vượt qua và chấp nhận khác nhau, cũng chính điều đó sẽ dẫn tới những kết cục khác nhau, nhưng quan trọng đâu mới chính là đích đến mà bạn đặt ra cho mình.
Khi bạn bắt đầu tin vào chính mình thì những người xung quanh mới có thể đặt niềm tin vào bạn. Niềm tin thường rất khó để hình thành nhưng dường như lại rất mỏng manh để duy trì.
4 dấu hiệu bạn đang dần mất niềm tin vào cuộc sống
Bạn chú trọng vào “làm thế nào” hơn là “tại vì sao”
Nghe có vẻ hơi ngược nhỉ? Thông thường người ta thường khuyên bảo nhau rằng: Hãy tập trung tận hưởng quá trình, đừng quan tâm nhiều đến kết quả. Cũng có phần đúng, nếu như bạn “tận hưởng” quá trình không đích đến đó, và học hỏi được nhiều điều hay ho từ nó.
Tuy nhiên, hãy tưởng tượng mà xem. Sau một hành trình dài không gặt hái được gì, loay hoay mãi chả có đích đến hay mục tiêu nào. Bạn sẽ mất phương hướng, trở nên chán chường, mệt mỏi.
Lúc này đây, chúng ta thường chỉ chăm chăm tìm cách thoát khỏi tình trạng này. “Làm gì tiếp đây, làm thế nào để tiếp tục hành trình này, làm thế nào để duy trì năng lượng như ban đầu v.v..” Hàng ngàn câu hỏi như thế quay vòng vòng trong đầu, mãi không có lời giải đáp khiến bạn dần mất niềm tin vào chính mình.
Mắc kẹt trong mớ rắc rối này khiến bạn quên mất một điều quan trọng rằng: Tại sao bạn phải đi cuộc hành trình này? Mục tiêu và kết quả chính là thứ giúp bạn kiểm soát được quá trình này, giúp bạn đi đúng hướng và tiến về phía trước.
“Tôi không đủ tốt”
Bạn không ngừng so sánh bản thân mình với người khác. So sánh cuộc đời của chính mình với dòng thời gian của người khác.
Sau những thất bại, bạn lại càng trở nên tự ti với chính mình. Hay là mình chưa đủ nỗ lực? Sao cuộc đời mình xui xẻo như vậy? Mình đã làm gì sai mà mãi không đạt được kết quả mong muốn? Tại sao họ làm được còn mình thì không?
Tưởng tượng từng câu hỏi được đặt ra như một tảng đá nặng trĩu trong lòng bạn vậy. Khi tâm trí luôn dồn dập với 1001-câu-hỏi-vì-sao, trong khắc nào đó, cái tôi và lòng tự trọng của bản thân bạn cũng không chịu nổi mà sụp đổ. Đánh mất niềm tin vào cuộc sống cũng từ đó mà ra.
Đọc thêm: Làm Thế Nào Để Vượt Qua Nỗi Sợ Bị Đánh Giá?
Mất kết nối với mọi người xung quanh
Bạn thu mình lại nơi “góc nhỏ” của mình. Quanh quẩn với những dòng suy nghĩ tiêu cực, tự ti và đầy tổn thương. Bạn ngại chia sẻ, cũng bởi bạn cảm thấy sẽ chẳng ai hiểu được mình, hoài nghi rằng liệu có ai sẽ thực sự lắng nghe.
Dần dà, bạn mệt mỏi với việc duy trì các mối quan hệ xung quanh và có xu hướng né tránh các cuộc trò chuyện hay vui chơi với người thân thiết.
“Tôi sợ mọi người nhìn thấy tôi qua cái cách tôi tự nhìn nhận bản thân mình, sẽ thật đáng thương làm sao”. Bạn có đang nghĩ như vậy hay không?
Bỏ bê những sở thích, thói quen thường ngày
Khi đã mất niềm tin vào cuộc sống, bạn sẽ không còn cảm nhận được giá trị ý nghĩa, nhưng niềm vui thường nhật mà bạn vốn có thể tận hưởng từ thói quen, sở thích trước kia của mình.
Chẳng hạn như, lúc muốn nghỉ ngơi giải tỏa căng thẳng. Bạn sẽ thường tìm đến hội họa, vẽ một bức tranh đầy màu sắc, và nhận lấy niềm vui từ nó.
Nhưng bây giờ đây, bạn cảm thấy vẽ tranh thật phức tạp và phiền phức, chẳng mang lại giá trị gì cả. Bạn không còn tận hưởng khoảnh khắc của riêng mình mà bắt đầu lo lắng “nếu như bức tranh này không đẹp, có phải tôi sẽ bị chê cười đúng không”. Điều này đã tạo nên nỗi áp lực vô hình, khiến bạn dần đánh mất cái nhìn lạc quan về cuộc sống.
Hành trình giúp tìm lại niềm tin vào cuộc sống
Be Yourself – Là chính mình!
Đây là điều đầu tiên bạn cần làm để gạt bỏ đi sự thiếu tự tin, tìm lại bản thân và niềm tin vào cuộc sống. Nghe tưởng chừng dễ, nhưng lại khó vô cùng.
Liệu bạn có đang sống cho chính mình? Cuộc sống của bạn có đang theo đúng những gì bạn mong muốn? Và có phải bạn sinh ra để làm hài lòng tất cả mọi người xung quanh?
Khi có được câu trả lời những câu hỏi trên, bạn đã sẵn sàng là chính mình rồi đó!
Đừng bao giờ để người khác thay bạn quyết định rằng bạn là con người như thế nào. Vì bạn có đủ khả năng làm điều đó. Hãy tỏa sáng theo cách riêng của bản thân.
Xác định mục tiêu ngắn hạn
Đôi lúc sự thất bại sẽ khiến bạn thiếu tự tin, nghi ngờ vào khả năng của mình – và đó chính là dấu hiệu bạn đang dần đánh mất niềm tin vào cuộc sống.
Vì vậy, thay vì cố gắng đặt một mục tiêu thật cao xa, thật to lớn, hãy thử với những bước đi nhỏ hơn, hài lòng với những thành tựu nhỏ hơn, thiết thực và khả thi hơn.
Điều này không có nghĩa là bạn đang trốn tránh thất bại. Thế nhưng để chinh phục những con đường xa, hãy bắt đầu từ những bước đi nhỏ. Nó sẽ giúp bạn lấy lại niềm tin vào bản thân và “cảm giác thành công” cho bạn.
Chân thành đối diện với bản thân
Hãy dành tình yêu vô điều kiện cho chính bản thân mình, như cái cách mà bạn yêu thương gia đình, cha mẹ, anh chị em hay con cái của mình.
Hãy đặt mình tránh xa những luồng suy nghĩ tiêu cực. Những lời đàm tiếu, hay thậm chí cảm giác ích kỷ, ghen tị đối với những thành công của người khác không giúp bạn tiến lên.
Hãy cho tiếng lòng của bản thân được nói ra điều mà nó muốn. Nói rằng, thay vì bạn dành thời gian để than vãn về thất bại, hãy coi điều đó như động lực để đẩy bạn đi xa hơn về phía trước.
Đừng đổ lỗi bản thân vì bất kỳ thất bại hay lỗi lầm nào! Bạn xứng đáng được yêu thương bởi chính bạn hơn bất kỳ ai! Sự tự dằn vặt bản thân chỉ khiến bạn càng mất niềm tin vào cuộc sống mà thôi.
Đọc thêm: Làm Gì Khi Bị Phê Bình Với Những Đánh Giá Tiêu Cực?
Tìm kiếm và phát triển thế mạnh của bản thân
Đừng quên rằng, cho dù như thế nào thì bạn cũng được tạo ra với những gia vị độc nhất trên thế gian này – là những tài năng của riêng bạn – là những điều mà không ai ngoài bạn có thể làm tốt hơn. Điều quan trọng là chính bạn sẽ phải tự đi tìm những gia vị ấy.
Hành trình tìm lại niềm tin vào chính mình sẽ bắt đầu từ hai chữ “thấu hiểu”. Hãy hiểu chính mình trước khi người khác có cơ hội hiểu bạn. Vì chính bạn sẽ là người thể hiện những điểm mạnh đặc trưng của bản thân cho họ thấy.
Việc nắm bắt rõ những thế mạnh của bản thân cũng sẽ giúp bạn không còn thiếu tự tin về khả năng của bạn nữa. Bạn biết rõ bạn có thể làm gì và có thể làm tốt tới đâu. Điều đó sẽ càng củng cố thêm niềm tin vào chính mình của bạn.
Đọc thêm: Vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân
Hãy dành thời gian chữa lành bản thân mình
Hơn hết, mọi nỗ lực sẽ trở nên “công cốc” nếu bạn không dành thời gian để làm dịu tâm hồn của mình. Hãy tin rằng: Thời gian sẽ chữa lành tất cả.
Nhưng bằng một cách chủ động. Lựa chọn cho mình những thói quen lành mạnh, tĩnh tâm và nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực cho “đứa trẻ bên trong”. Vì sau tất cả, điều duy nhất ở lại bên cạnh bạn là chính bạn.
Hãy quan tâm tới cảm xúc của mình nhiều hơn, học cách chữa lành nó. Cởi mở để đón nhận những điều tốt đẹp và sẵn sàng gạt bỏ những thứ đang-đè-nặng-trong-lòng. Niềm tin cuộc sống sẽ trở lại ngay khi bạn biết cách yêu lấy chính mình.
Đừng để nỗi sợ khiến bạn đánh mất niềm tin cuộc sống
“Chỉ có một lý do khiến giấc mơ không thể trở thành sự thực: đó là nỗi sợ thất bại.” – Nhà Giả Kim.
Con đường dẫn tới thất bại nhanh nhất chính là không làm gì cả, điều này sẽ khiến bạn dậm chân tại chỗ.
“Chưa thử sao biết không thể”, hãy luôn tự nhủ cho mình điều này. Giữa hành trình cuộc đời, bạn sẽ phải trải qua vô vàn vấp ngã, và cả những giây phút hạnh phúc, thăng hoa. Mỗi lần thất bại chính là một bài học đáng quý để chúng ta lưu tâm, rút kinh nghiệm cho chặng đường dài kế tiếp.
Cũng đừng lo lắng sẽ có ai đó cười nhạo bạn. Mỗi chúng ta đều có cuộc đời của riêng mình. Sẽ chẳng ai mãi để ý cười nhạo thất bại của người khác. Trừ khi họ quá nhàn rỗi, không có mục tiêu gì để phấn đấu, vậy thì cũng chẳng đáng để chúng ta quan tâm. Hãy tin tưởng vào chính mình, ý kiến của người khác không phải là chân lý.
Đọc thêm: Nỗi Sợ Thất Bại Hay Người Trẻ Đang Sợ Cô Đơn?
Câu chuyện truyền cảm hứng: Tìm lại chính mình sau khi đánh mất niềm tin vào cuộc sống
Không phải từ những nhân vật “cao, xa” hay doanh nhân thành đạt đầy tiếng tăm nào cả. Kabala Career đã tổng hợp các mẩu chuyện nhỏ, những dòng tâm tư rất “đời” từ thành viên nhà Glinstarts và cả những bạn đọc đáng yêu từ Blog của chúng mình.
Hi vọng những câu chuyện nhỏ sau đây sẽ tiếp thêm cho bạn “một chút” động lực nào đó trên hành trình tìm lại niềm tin vào cuộc sống. Và đừng quên rằng, Kabala Career luôn đồng hành và lắng nghe những chia sẻ của bạn.
Theo – Creative Specialist tại Kabala Career Indonesia
Theo đã trải qua một hành trình đầy liều lĩnh khi bắt đầu “tò mò” về sự lựa chọn nghề nghiệp và mất 2 năm trời để “trả giá” cho sự tò mò ấy.
Và cho đến tận bây giờ, cứ mỗi một khi anh tự hỏi “Liệu bản thân có thể…?”, hay lúc lo lắng cho một tương lai bất định, đôi khi niềm tin của anh vẫn đang bị lung lay.
Một câu nói mà Theo “để dành” cho bản thân 3 năm sau chính là:
Tạm dịch: “Đây không phải là lúc để tôi nghỉ ngơi. Lên kế hoạch, làm việc chăm chỉ, ngừng so sánh bản thân với những người khác. Mỗi người đều có thời điểm thành công của riêng mình, hãy tận hưởng quá trình và hướng tới những mục tiêu xa hơn”
Anh Trần Phước Trí – Recruitment Consultant Team Lead tại Kabala Career Việt Nam
Giống như hầu hết các bạn trẻ ngày nay, anh Trí cũng không thoát khỏi khủng hoảng tuổi 22 sau khoảng thời gian đầu tốt nghiệp Đại học.
Đó là học kỳ cuối và anh bắt đầu với giấc mơ Quản trị viên tập sự (Management Trainee) như nhiều bạn đồng trang lứa. Vì với anh tại thời điểm đó, đây chính là con đường thành công duy nhất.
Đúng là cuộc đời có nhiều cách để thử thách niềm tin của mỗi người, dẫu đã thành công đậu chương trình Quản trị viên tập sự của một tập đoàn Hồng Kông, nhưng rồi sau đó… anh quyết định xin nghỉ việc vì cảm thấy không phù hợp, và dần đánh mất niềm tin vào năng lực chính mình.
Sau khoảng thời gian đó, anh Trí đã tạm ngưng con đường mình đang theo đuổi để đón nhận những cơ hội mới, gặp những người tài giỏi. Anh đã học hỏi và nhìn nhận lại bản thân, nhìn nhận lại cả những sự kiện trong quá khứ theo hướng tích cực hơn.
Đó cũng là lúc anh Trí lựa chọn trở về với lĩnh vực Tuyển dụng, gắn bó phát triển cùng nghề trong 4 năm qua và tiếp tục đồng hành cùng Kabala Career Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Kiến Phúc – Sinh viên năm cuối tại TP.HCM
Cũng giống như những câu chuyện phía trên, chàng trai sinh viên năm cuối, Kiến Phúc, cũng có những trăn trở riêng của mình về sự nghiệp về những hướng đi sắp tới.
Cậu chia sẻ về sự mất mát người thân đã khiến cậu cảm thấy trống vắng bởi mất đi một chiếc neo mục tiêu trên hành trình của mình. Nhưng rồi giờ đây, khi ngồi lại với Kabala Career, Kiến Phúc đã là phiên bản mạnh mẽ và trưởng thành hơn:
“Tôi nhận ra rằng, họ không hề biến mất khỏi cuộc sống này, họ – những người mà tôi yêu quý vẫn sẽ luôn tồn tại trong trái tim tôi.”
Không chỉ để nhắn gửi đến một phiên bản thành công và hoàn thiện hơn mà còn là một lời tâm tình sẻ chia đến những bạn trẻ khác, Kiến Phúc tự nhủ với bản thân:
Đào Thu Hiền – Sinh viên khóa Thạc sĩ Tâm lý học tại Đại học Middlesex, London (Anh)
Vào khoảng năm 2020, Thu Hiền, một du học sinh Anh, cũng đã từng cảm thấy mất niềm tin vào bản thân lẫn cuộc sống xung quanh khi cố gắng apply xin thực tập rất nhiều lần – và tất cả đều bị từ chối.
Song với đó, nỗi áp lực đồng trang lứa (peer pressure) khiến cô gái vừa bước vào độ tuổi đôi mươi ấy ngày càng thu mình lại. Lo lắng, bất an, tiêu cực, chán nản và tự đánh giá thấp dần năng lực của bản thân.
Tuy vậy, xuất hiện trước mắt Kabala Career lúc này đây lại là một Thu Hiền đầy tự tin và tích cực hơn cả. Trả lời cho câu hỏi “Làm gì để tìm lại niềm tin cuộc sống”, cô đáp:
“Mình đã lên kế hoạch đi du lịch một mình để giải thoát và chữa lành khỏi những dòng suy nghĩ tiêu cực và rào cản mình tự dựng lên cho bản thân.”
Sau những chuyến đi ngắn và đầy ngẫu hứng, cô bạn giờ đây đã có thể “sạc đầy” năng lượng của mình và tự tin hơn trong giao tiếp. Đây cũng chính là chất xúc tác khiến cô có thể vững bước trong hành trình riêng sau này của bản thân, Hiền chia sẻ:
Phong – Copywriter tại Phibious Việt Nam
Sau đợt giãn cách xã hội vì ảnh hưởng của đại dịch Covid, Phong – một cây viết trẻ ở Hà Nội đã có những tâm sự sâu sắc về khoảng thời gian thất nghiệp đầy khó khăn của bản thân.
Trải qua không ít lần khủng hoảng khi apply trượt tới hơn chục công ty, gửi đi hơn chục cái email nhưng đều không nhận được phản hồi, cậu bắt đầu nghi ngờ bản và nghĩ mình thật kém cỏi.
Hơn 6 tháng trời giam mình trong những cảm xúc tiêu cực, cô đơn và sợ sệt. Phong cứ thế thu mình, “dậm chân tại chỗ” trong một vòng lặp luẩn quẩn không có lối ra, và rồi bắt đầu đánh mất niềm tin vào cuộc sống. “Mình cảm thấy như vậy hàng ngày, chỉ là mỗi lúc mức độ lại một khác thôi”.
Nói về động lực để bước tiếp, chàng trai trẻ không cố gắng lấy lại niềm tin mà để niềm tin tự tìm tới mình. Cậu nhận ra 2 điều quan trọng sau những khó khăn đã trải qua:
Điều đầu tiên chính là “Lắng nghe” (những lời chia sẻ và động viên xung quanh, và lắng nghe bản thân mình đúng cách). Lắng nghe và bắt lấy cơ hội, nhìn được bản thân đang ở đâu và cần thứ gì. Sau tất cả kiên trì, cậu cũng tìm được bến đỗ phù hợp với mục tiêu cậu đã đặt ra. Đọc thêm vài dòng chia sẻ về chủ đề Lắng nghe trên Blog cá nhân của Phong tại Spiderum nhé!
Điều thứ hai – “Sống bằng khoảnh khắc”. Ai cũng có thể trở thành bất cứ ai, ai cũng có thể sống trong khoảnh khắc mà mình mơ ước, Phong tự nhủ.
“Nếu như mục tiêu được quy hết thành tổng 10 và được cấu thành từ: Cố gắng, tiềm năng, tài năng, kinh nghiệm, học tập, may mắn,… Kể cả khi bạn chỉ có 1 thứ. Chỉ cần chúng ta đi tìm những “biến số” còn lại, có thể không được 10 nhưng chắc chắn sẽ được 9-8, cho dù ít ỏi nhưng chắc chắn sẽ nhiều hơn con số ngày hôm qua!
Trải lòng cùng Kabala Career, Phong luôn tâm niệm với bản thân rằng: “Giữ cái đầu lạnh và một trái tim nóng”. Bởi, tiêu cực thì ai cũng có, chúng ta nên trân trọng tất cả những cảm xúc của mình. Nhưng phải giới hạn chúng lại, gồng mình lên một chút, tạm thời “lạnh” và sau đó thì “nóng” bung bét ra thôi. Phong hi vọng bằng cách này, những người trẻ chúng ta sẽ có thể tận hưởng từng khoảnh khắc và tin vào chính mình.
Sau cùng, cậu có đôi lời nhắn gửi cho các bạn độc giả của Kabala Career như sau:
Bạn Đã Bao Giờ Đánh Mất Niềm Tin Vào Cuộc Sống?
Nguồn: glints.com