VUCA là định nghĩa về thế giới đa cực mà nhiều thế hệ đã và đang phải đối mặt. Và khi thời đại VUCA còn chưa đi đến hồi kết, chúng ta lại có một định nghĩa khác mang tên: BANI world. BANI là gì và so với VUCA, chúng ta phải chú ý những điều gì để phát triển toàn diện?
1. BANI là gì?
“BANI world” xuất hiện đã được một khoảng thời gian, thế nhưng chỉ gần đây mới được biết đến rộng rãi hơn. Định nghĩa BANI được sáng tạo bởi nhà nhân chủng học người Mỹ, tác giả và nhà tương lai học Jamais Cascio. Ý nghĩa của BANI là gì?
- B – Brittle: Mong manh
- A – Anxious: Lo lắng
- N – Non-linear: Phi tuyến tính
- I – Incomprehensible: Khó hiểu
Lý do dẫn tới sự tồn tại của cụm từ này là do tác giả cảm thấy trong thế giới với quá nhiều khủng hoảng, VUCA không còn là khái niệm phù hợp để giúp giới trẻ đối diện với những thay đổi chóng mặt. Cùng lý giải từng mặt ý nghĩa nằm trong cụm từ BANI nhé.
1.1. Brittle: Dễ vỡ, mong manh
Bạn cho rằng có những thứ rất chắc chắn và bền bỉ nhưng thực chất chúng rất dễ đổ vỡ. Đặc biệt, trong một thế giới mà mọi thứ đều có sự liên kết chặt chẽ với nhau, việc một yếu tố đổ bể cũng có thể đem đến hiệu ứng domino.
Hãy tưởng tượng mọi điều xung quanh ta như một khối jenga (trò chơi rút gỗ). Chỉ cần một miếng gỗ đặt sai chỗ hoặc bị rút một cách thiếu thận trọng, toàn bộ những khối gỗ khác cũng theo đó mà rơi xuống đất.
Để tưởng tượng một cách thực tế hơn nữa, bạn có thể nhìn vào những sự kiện với mức độ ảnh hưởng toàn cầu như:
- Khủng hoảng kinh tế, thương mại trên toàn thế giới
- Hệ thống cung ứng nhiên liệu
- Khủng hoảng tắc nghẽn kênh đào Suez
- Lệnh phong toả do đại dịch Covid.
1.2. Anxious: Bất an, đầy lo lắng
Anxious trong BANI là gì? Đây là yếu tố chỉ cảm giác bị choáng ngợp, thiếu quyền kiểm soát với những tình huống quan trọng, nhất là trong những thời điểm nhiều áp lực.
Thời đại thông tin với sự phát triển vượt bậc của công nghệ giúp chúng ta tìm kiếm thông tin và đưa ra quyết định, thế nhưng cũng một phần làm ta trở nên thụ động. Đôi khi vì quá lo lắng rằng ý kiến đưa ra bị đi ngược với số đông và khuôn mẫu có sẵn, mà chúng ta chọn dựa vào suy nghĩ của người khác mà quên đi quan điểm thật sự của mình. Và sau đó, những cảm xúc lặp lại lại là tiếc nuối, hối hận, và tiếp tục ngắc ngoải chờ các sự kiện tương lai diễn ra.
Mặt khác, nhân loại cho rằng họ nắm quyền kiểm soát mọi thứ đang diễn ra. Tuy vậy, tình trạng bất ổn, chiến tranh và khủng hoảng luôn vẫn luôn diễn ra. Điều này có nghĩa là con người chưa bao giờ hoàn toàn cầm trịch và vận hành mọi thứ theo đúng ý muốn.
1.3. Non-Linear: Phi tuyến tính
Ở một mức độ nào đó, “Non-linear” trong BANI khá có điểm tương đồng với “Ambiguous” trong VUCA. Chúng đều chỉ sự mơ hồ, không trực diện hay “thẳng như ruột ngựa” như trước.
Trong sự nghiệp, các hệ thống làm việc, hay các sự kiện xảy ra xung quanh ta; giờ thay vì đi thẳng từ điểm khởi đầu đến điểm kết thúc một cách trơn tru, chúng ta sẽ gặp phải những ngõ cụt, những chướng ngại, những kết quả khó lường.
Ngoài ra, những quyết định nhỏ có thể gây ảnh hưởng lớn đến cục diện sau này. Và không may rằng, phải tốn một thời gian dài chúng ta mới có thể nhận ra điều đó.
Lấy ví dụ từ hiện tượng nóng lên toàn cầu, hiếm có ai trong nền công nghiệp những năm 80 có thể tưởng tượng rằng sự đột phá cho con người lại đem đến hậu quả nghiêm trọng đến vậy cho môi trường sống.
1.4. Incomprehensible: Khó lý giải
Sống trong một thời đại dễ đổ vỡ và chứa đựng nhiều bất an làm mọi thứ dần trở nên khó định danh và khó lý giải hơn rất nhiều. Con người thường cố chấp trong việc tìm ra lời giải cho mọi vấn đề, nhưng điều này khá khó để thực hiện trong bối cảnh hiện tại.
Một điều kỳ thú đó là, dù có nhiều thông tin, chúng ta cũng không chắc sẽ có câu trả lời thỏa đáng. Lượng dữ liệu quá nhiều thì độ xác thực cũng giảm đi. Việc tiếp nhận nhiều thông tin mới nhưng không đồng nhất càng làm khả năng suy nghĩ bị quá tải.
Đọc thêm: VUCA Là Gì? Lời Khuyên Cho Giới Trẻ Trong Thời Đại VUCA
2. BANI vs VUCA: có gì khác biệt?
VUCA và BANI là hai định nghĩa dùng để miêu tả một thế giới nhiều hỗn mang và những phương pháp chúng ta nên áp dụng để thấu hiểu và đối mặt với chúng. Một vài yếu tố trong hai khuôn mẫu này cũng có điểm tương đồng, tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa VUCA và BANI là gì?
Nếu VUCA tập trung vào những thử thách trong môi trường và sự cần thiết của khả năng thích ứng, thì BANI hướng tới những yếu tố dẫn tới sự thay đổi và tầm quan trọng của sự sáng tạo, đổi mới.
Nói về mặt phát triển doanh nghiệp, VUCA thường được sử dụng để xây dựng chiến lược để thích ứng với sự biến đổi không lường, còn BANI được đưa vào để xác định các xu hướng mới và cơ hội đổi mới, đi khỏi lối mòn.
Một điểm phân biệt BANI vs VUCA nữa đó là nguồn gốc. Nếu VUCA được định hình bởi sự kiện Chiến tranh lạnh, thì yếu tố nhào nặn nên BANI là vấn đề thay đổi khí hậu và thay đổi sự vận hành hệ thống toàn cầu.
3. Đối mặt với BANI world như thế nào?
3.1. Với Brittle: sự bền bỉ, kiên cường
Chúng ta không thể lường trước khi một việc đã lỡ dở hoặc thất bại, nhưng chúng ta có thể đối mặt với nó bằng sự kiên cường.
Trước khi thực hiện kế hoạch hoặc đưa dự án nào đó vào hoạt động, bạn nên lên sẵn một phương án B để có một chiếc lưới đỡ lấy bản thân không bị chạm đất nếu phương án A sụp đổ.
Kể cả bạn cho rằng kế hoạch của mình đã được vạch ra rất kỹ càng, sẽ luôn có khả năng có lỗ hổng hoặc vết nứt, dù chúng xuất hiện ngay từ đầu hay trong quá trình bạn xây dựng mạng lưới.
3.2. Với Anxious: nhận thức bản thân, trí tuệ cảm xúc
Việc bạn lo âu và đi tìm quá nhiều thông tin ngoài lề trước khi đi đến quyết định một phần đến từ sự thiếu nhận thức bản thân (self-awareness). Để bớt thụ động và không tự trách bản thân vì những việc bạn không thể kiểm soát, hãy học cách nhìn nhận và tôn trọng giá trị của bản thân.
Bên cạnh đó, trong một thế giới có quá nhiều thông tin, mối đe dọa và tin tức giả, chúng ta nên biết cách xử lý các tình huống theo hướng tích cực hơn. Nên nhìn nhận chúng từ góc nhìn khác thay vì chạy theo số đông và phát triển cách giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.
Đại dịch đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc và nó là yếu tố không thể thiếu để thoát khỏi khủng hoảng một cách nhanh chóng.
3.3. Với Non-linear: sự thích ứng
Theo BANI world, chúng ta không còn sống trong thời đại mà mọi thứ đều có khuôn mẫu hay đi theo truyền thống. Chuỗi nguyên nhân – kết quả thường thấy không còn được áp dụng lên mọi trường hợp và những kế hoạch lâu dài có khả năng đi trật đường ray cũng chính là vì yếu tố này.
Ví dụ, vấn đề nóng lên toàn cầu mà chúng ta đang gặp phải chính là hậu quả của những quyết định được ngành công nghiệp đưa ra vào thập niên 80. Những thách thức, rào cản do đại dịch gây ra vẫn để lại chiều hướng bất định cho tương lai của nhân loại, điển hình như tình trạng layoff, quiet quitting ngày càng tăng cao.
Vậy, việc bỏ qua những gì đã xảy ra và hướng tới tương lai là rất cần thiết. Hãy chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra thay vì cứ mãi gặm nhấm chúng và dậm chân tại chỗ chỉ vì kết quả đi ngược lại với mong đợi.
3.4. Với Incomprehensible: sự nhanh nhạy, khả năng tiên đoán
Để thử thách những sự kiện và viễn cảnh khó lý giải, trực giác nhạy bén chính là yếu tố quyết định.
Ngoài ra, trong bối cảnh doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp gặp phải những tình huống khó đoán, điều cần thiết là cho nhân viên thấy được sự minh bạch. Những câu trả lời cho các yếu tố như Cái gì, Khi nào, Tại sao sẽ giúp lý giải và làm rõ cho những khủng hoảng hiện có, từ đó đảm bảo một bộ máy doanh nghiệp có được niềm tin từ nhân viên và phát triển vững chãi hơn.
Đọc thêm: 5W1H Là Gì? Lý Thuyết Và Ý Nghĩa Của Phương Pháp 5W1H Trong Thực Tế
Lời kết
BANI dường như là một bối cảnh đen tối cho nhân loại dù trước đó VUCA đã đủ làm chúng ta lo lắng bộn bề. Tuy vậy, điều chúng ta cần làm, dù là người trẻ hay thế hệ đi trước, là tiến lên phía trước và dùng những khó khăn đã gặp phải làm kinh nghiệm và bài học. Hy vọng bạn đã có thêm kiến thức mới và hữu ích từ bài viết về BANI là gì của Kabala Career. Đừng ngại chia sẻ cảm nhận và đóng góp của bạn ngay dưới phần bình luận nhé.
BANI World Là Gì? Cách Đối Diện Với Thế Giới Mới Nhiều Hỗn Tạp
Nguồn: glints.com