Bảo hiểm tai nạn lao động là một trong số những bảo hiểm quan trọng nhất của hệ thống an sinh, xã hội nhằm bảo đảm quyền lợi cơ bản của người lao động. Vậy cụ thể bảo hiểm lao động là gì? Đâu là những đối tượng chính của bảo hiểm tai nạn lao động? Mức đóng và điều kiện được nhận bảo hiểm quy định như thế nào? Hãy cùng Kabala Career tìm hiểu về chủ đề quan trọng này thông qua bài viết dưới đây!
Bảo hiểm tai nạn lao động là gì?
Đầu tiên, bảo hiểm tai nạn lao động là gì? Khái niệm này không được quy định ở bất kỳ bộ luật nào tại Việt Nam. Tuy nhiên, dựa trên Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, ta có thể hiểm bảo hiểm tai nạn lao động là loại bảo hiểm nhằm bồi thường hoặc bồi đắp tổn thất về mặt vật chất cho người lao động. Chính sách an sinh xã hội này sẽ góp phần giảm thiểu tổn thất và rủi ro cho cả người lao động và doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ phòng ngừa các tai nạn không đáng có trong công việc.
Đọc thêm: Các Loại Bảo Hiểm Bắt Buộc Người Lao Động Cần Biết
Đối tượng tham gia và được chi trả bảo hiểm tai nạn lao động
Căn cứ theo Điều 43 thuộc bộ Luật An toàn, vệ sinh lao động ban hành 2015, đối tượng được tham gia và có quyền nhận bồi thường từ bảo hiểm tai nạn lao động bao gồm:
“Điều 43. Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục này là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 1 Điều 2 và người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội:
a. Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b. Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c. Cán bộ, công chức, viên chức;
d. Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
e. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
f. Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g. Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
2. Trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người lao động được giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo nguyên tắc đóng, hưởng do Chính phủ quy định.”
Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động
Giống như nhiều loại bảo hiểm hiện hành khác, để được hưởng các quyền lợi cơ bản của bảo hiểm tai nạn lao động, bạn cần phải đóng một mức phí nhất định dựa trên các điều kiện khác nhau. Căn cứ theo Điều 4 thuộc Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng và quy trình đóng được quy định như sau:
“Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động quy định tại (a), (b), (c), (d), (e), (f) mục 1, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình, theo một trong các mức sau:
+ Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; đồng thời được áp dụng đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước;
+ Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được áp dụng đối với doanh nghiệp bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định 58/2020/NĐ-CP, cụ thể:
++ Trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội;
++ Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất;
++ Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất.
– Người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức 0,5% mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại (g) mục 1.
– Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng tương ứng theo điều kiện từng trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP.”
Đọc thêm: Bảo Hiểm Trách Nhiệm Nghề Nghiệp Là Gì Và Những Điều Cần Biết
Điều kiện được nhận bảo hiểm tai nạn lao động
Ngoài việc đóng bảo hiểm đúng theo quy định, để đủ điều kiện nhận tiền bảo hiểm, bạn cần phải đảm bảo mình thuộc các trường hợp sau:
“Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015:
(1) Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
– Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
– Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
(2) Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại (1) mục này;
(3) Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015:
– Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
– Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
– Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.”
Đọc thêm: Tìm Hiểu Về Phúc Lợi Cho Nhân Viên Khi Đi Làm
Kết luận
Vậy là Kabala Career đã cùng bạn tìm hiểu bảo hiểm tai nạn lao động là gì và những cập nhật mới nhất về mức đóng cũng như điều kiện nhận tiền bảo hiểm. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích về luật lao động. Nếu thấy hứng thú với các nội dung tương tự, hãy cùng ghé qua Blog của Kabala Career để tìm đọc thêm nhiều bài viết bổ ích hơn nữa nhé!
Bảo Hiểm Tai Nạn Lao Động Và Những Cập Nhật Mới Nhất
Nguồn: glints.com