62% nhân viên đã từng trải qua career break vào một thời điểm nào đó trong sự nghiệp của họ (Theo dữ liệu của LinkedIn).
Trong những năm gần đây, biến cố xã hội như đại dịch Covid-19 dẫn đến tỷ lệ người nghỉ việc tăng cao. Người ta cũng dần quan tâm hơn đến nhu cầu được nghỉ ngơi, tách biệt khỏi cuộc sống “cơm áo gạo tiền”. Career break được nhắc đến nhiều hơn nhưng phần nào vẫn được coi là “red flag” trong sự nghiệp. Tuy nhiên, việc gác lại công việc vì một lý do nào đó không có gì đáng xấu hổ. Có thời điểm, career break là cần thiết và có thể trở thành lợi thế sau khi quay trở lại. Tìm hiểu career break là gì, thời điểm nào nên thực hiện và làm sao đến biến nó thành lợi khi quay trở lại tìm việc.
Career break là gì?
Career break hay còn gọi là, work hiatus – quãng nghỉ trong sự nghiệp, là khi ai đó tạm ngưng làm việc trong một khoảng thời gian thường từ vài tháng đến một năm. Lý do họ quyết định tạm gác lại công việc có thể đến từ vấn đề gia đình, cá nhân, v.v.
Thời đi học chúng ta có gap year còn khi đi làm chúng ta có career break. Về bản chất hai hoạt động này khá tương đồng với nhau. Vì vậy mà career break còn được gọi là “adult gap year” – khoảng dừng chân của người lớn.
Career break càng trở nên phổ biến hơn khi người ta mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nhu cầu về nghỉ ngơi an dưỡng, chăm sóc gia đình, hay phát triển bản thân đưa người ta đến với career break.
Khi nào bạn cần một quãng nghỉ trong sự nghiệp?
Thực hiện career break không phải là điều đơn giản đối với một số người. Những mối lo vì nghỉ việc giữa chừng ngăn cản họ. Có những người không chắc chắn có nên cho mình một quảng nghĩ sự nghiệp hay không.
Có những lý do chính là động lực thúc đẩy bạn thực hiện career break. Nếu những lý do này đủ mạnh để thuyết phục bạn nghỉ ngơi, hãy cân nhắc cho một quãng nghỉ sự nghiệp sắp tới.
Dành ưu tiên cho sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của bạn
Áp lực công việc dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe tinh thần lẫn vật chất của bạn. Bạn có thể dễ dàng bị burnout khi làm việc, mất ngủ và có thể xuất hiện những dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Một khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi không giúp bạn phục hồi để có thể làm việc bình thường. Lúc này bạn có thể cân nhắc đến career break.
Học lên cao
Nâng cao trình độ kỹ năng bằng cách quay trở lại trường học là một giải pháp để nâng cao thu nhập. Bạn không nhất thiết phải nộp hồ sơ vào một trường nào đó, quay trở lại thời học sinh/sinh viên. Bây giờ hình thức học online rất phổ biến. Bạn có thể nâng cao năng lực bản thân nhờ những kiến thức học được từ các khóa học trực tuyến.
Có rất nhiều người sử dụng thời gian career break để theo học một chuyên ngành mới mà họ yêu thích hoặc có triển vọng trong tương lai. Một số học lên các cấp bậc cao hơn để dễ dàng được thăng chức như học Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Theo đuổi những sở thích khác
Mỗi người đều có những sở thích khác bên cạnh sự nghiệp của họ. Ngoài giờ làm việc, chúng ta có thể dành thời gian cho sở thích của mình như đọc sách, chụp ảnh, sưu tầm đồ vật, v.v.
Một khi sở thích đó đủ lớn mạnh để trở thành một đam mê, muốn theo đuổi nó, chúng ta sẽ phải bỏ ra nhiều thời gian hơn. Lúc này nếu đủ sẵn sàng, bạn hãy chọn career break, dành chọn thời gian cho đam mê đó.
>> Đọc thêm: Bạn Có Nhầm Lẫn Giữa Sở Thích Và Đam Mê?
Bạn có trẻ nhỏ hoặc người thân cần chăm sóc
Có không ít người phải tạm dừng làm việc vì có người cần họ chăm sóc. Điển hình là người phụ nữ. Sau khi lấy chồng, sinh con, ngoài kỳ nghỉ thai sản khoảng 6 tháng, nhiều bà mẹ lựa chọn ở nhà chăm sóc con cái của họ trong những năm đầu đời.
Do vậy, không hiếm khi có những người mà quãng nghỉ sự nghiệp của họ lên tới vài năm.
Bên cạnh đó, cũng có những người phải ở nhà để chăm sóc người thân của họ như cha mẹ già, người bị bệnh, v.v.
Biến career break thành lợi thế khi tìm việc
Nhiều người lo sợ khoảng trống nghề nghiệp trong CV của họ có thể gây bất lợi khi tìm việc mới. Tuy nhiên, cả người tuyển dụng và người đi làm đều không nên xem đây là một điểm yếu.
Tạm rời khỏi thị trường làm việc không có gì đáng xấu hổ và với tư cách là người tìm việc, bạn không cần phải dấu người phỏng vấn về career break của bạn.
Những định kiến về career break có thể còn đó nhưng bạn hoàn toàn có thể biến nó trở thành một lá bùa hộ mệnh cho mình. Nhất là trong buổi phỏng vấn, hãy cho nhà tuyển dụng thấy career break đã mang đến những điều tuyệt vời cho bạn như kỹ năng và góc nhìn mới.
Một vài lời khuyên về làm sao để nói về career break một cách tự nhiên với nhà tuyển dụng:
- Chia sẻ cởi mở về career break trong CV và Cover Letter
- Chuẩn bị trước tình huống khi được hỏi về quãng nghỉ trong sự nghiệp
- Trình bày những kỹ năng và chuyên môn đặc biệt liên quan đến vị trí công việc mà bạn đã học được trong thời gian career break
- Đừng ngại chia sẻ bất cứ hoạt động, sự kiện nào bạn tham gia trong thời gian nghỉ mà rèn luyện cho bạn những kỹ năng cần thiết cho công việc
- Nói về career break của bạn một cách tự tin, cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn không xấu hổ về nó.
Dù bạn có đi du lịch và chuyển đến sống ở một đất nước khác trong thời gian career break, bạn cũng có thể biến nó thành kinh nghiệm sống và làm việc trong môi trường đa văn hoá. Đó là một ví dụ nhỏ về cách biến career break thành lợi thế sau khi trở lại.
Kết
Trên đây là giải thích career break là gì cũng như lời khuyên cho những ai đã tạm nghỉ ngơi và có chút lo lắng khi quay lại làm việc.
Không phải ai cũng chủ động tạm nghỉ cho một career break. Có những người bị mất việc vì các cuộc layoff hàng loạt vừa qua. Tìm việc mới là bước đi tiếp theo phổ biến đối với những ai bỗng dưng mất việc.
Tuy nhiên, đây cũng là lúc bạn có thể đầu tư thời gian vào nâng cấp bản thân, học kỹ năng mới mà bước đầu chính là một career break.
Tham khảo: How To Turn Your Career Break Into An Advantage At Your Next Interview
Career Break Là Gì? Thời Điểm Thích Hợp Dành Cho Quãng Nghỉ Sự Nghiệp
Nguồn: glints.com