Digital Nomad Là Gì? Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Digital Nomad?

Làm việc từ xa ngày càng trở nên phổ biến kể từ sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Nó thậm chí còn làm bùng nổ một xu hướng làm việc thu hút được sự quan tâm đông đảo của giới trẻ hiện nay: Digital Nomad. Nếu chưa biết digital nomad là gì, hãy để Kabala Career giải đáp giúp bạn trong bài viết này. 

Con số 15,5 triệu người Mỹ giới thiệu họ với tư cách là digital nomad chắc sẽ khiến bạn tò mò hơn về lối sống thú vị này.

Digital nomad là gì?

Digital nomad là một từ tiếng Anh để chỉ những người không làm việc tại một nơi cố định. Thay vào đó họ thường xuyên xê dịch và làm việc online qua các thiết bị công nghệ. 

Nghĩa đen của từ digital nomad là “dân du mục kỹ thuật số”. Câu nói “chỉ cần một chiếc laptop và wifi” chính là dành cho những con người này. Họ có thể lựa chọn địa điểm làm việc tuỳ ý. Những công việc thuận lợi cho digital nomad thường là các lĩnh vực nghệ thuật, IT, marketing, giáo dục, v.v. 

Digital nomad có thể làm việc ở bất cứ đâu mà họ di chuyển tới. Đó có thể là khách sạn, quán cà phê, thư viện, không gian làm việc chung hay thậm chí một nơi nào đó mà họ muốn “sống thử”. 

Đôi chút về lịch sử của khái niệm digital nomad

Nếu chưa tìm hiểu về digital nomad là gì, bạn có thể sẽ nghĩ khái niệm này mới xuất hiện. Tuy nhiên, từ những năm 1964 và 1981, người ta đã bắt đầu dự đoán được rằng làm việc từ xa sẽ trở thành xu hướng của tương lai. Đó cũng chính là bản chất của lối sống digital nomad.

digital nomad
Khái niệm Digital Nomad ra đời khi nào?

Steve Roberts được xem là digital nomad đầu tiên. Anh còn được gọi là high-tech nomad. Suốt tám năm từ 1983 – 1991, Steve đã đi vòng quanh nước Mỹ trên một chiếc xe đạp được vi tính hoá và kết nối với internet mới có lúc bấy giờ. Anh miêu tả chiếc xe cũng giống như phòng làm việc của mình bên cạnh các địa điểm mà anh đi qua. 

Thuật ngữ digital nomad được chính thức sử dụng đầu tiên trong cuốn sách Digital Nomad xuất bản năm 1997 bởi Tsugio Makimoto và David Manners. Về sau, khi internet ngày càng phổ biến và công nghệ phát triển, lối sống này càng được nhiều người biết đến. “Digital nomad là gì” cũng được tìm kiếm nhiều hơn. 

Những công việc phù hợp phù hợp với digital nomad

Digital nomad có thể làm việc trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Hầu hết những công việc có thể làm từ xa đều có thể là lựa chọn cho digital nomad. 

Cùng điểm qua một số công việc phổ biến dành cho digital nomad hiện nay: 

  • Marketing 
  • Viết lách (writing)
  • IT
  • Nhân viên tư vấn (consultant)
  • Biên tập (editing) 
  • Thiết kế (design)
  • Quản lý dự án (project management)
  • Phát triển phần mềm (software development)
  • Dạy học/trợ giảng (teaching/tutor)
  • Trợ lý dự án (project assistant)
  • Dịch thuật (translation)
  • Tuyển dụng (recruiting & HR) 
  • Bán hàng (sales) 

Digital Nomad có giống với freelancer? 

Sau khi hiểu rõ digital nomad là gì, để phân biệt được hai khái niệm này, bạn cũng cần hiểu thế nào là freelancer

Freelancer là những người làm việc độc lập, cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở một mức giá nào đó. Hầu hết freelancer làm việc cùng một lúc cho nhiều khách hàng khác nhau. 

Giống nhau

Freelancer và digital nomad giống nhau ở địa điểm làm việc của họ không nhất thiết phải cố định. Họ đều có thể làm việc ở nhà, quán cà phê, văn phòng chung, hay bất cứ đâu thuận tiện. Cả hai đều có lịch làm việc linh hoạt. 

Thực ra, freelancer cũng là một loại công việc lý tưởng cho các digital nomad. 

Khác nhau

  • Về địa điểm làm việc: Vì tính chất ưa xê dịch, digital nomad có thể làm việc ở bất cứ đâu mà họ đến, dù là ở khách sạn hay ngay trên đường đi. Trong khi đó freelancer thường làm việc ở nhà, quán cà phê, v.v. 
  • Công cụ làm việc: Digital nomad làm việc khi dịch chuyển do đó thiết bị làm việc cũng có phần hạn chế hơn so với freelancer. Nếu chủ yếu làm ở nhà, freelancer có thể trang bị đầy đủ công cụ. 
  • Làm việc online: Freelancer không nhất thiết phải online 24/7 để làm việc. Trái lại digital nomad làm việc online xuyên suốt. 
  • Thời hạn công việc: Trong khi freelancer chủ yếu đảm nhận các hợp đồng ngắn hạn. Digital nomad có thể đang làm công việc dài hạn của họ.

Lợi ích và hạn chế của digital nomad là gì?

Lợi ích khi làm một digital nomad là gì?

1. Giảm stress công việc khi trở thành digital nomad

Là một digital nomad, bạn sẽ không còn phải chịu những áp lực hàng ngày của một công việc 9 – 5. Giờ đây bạn hoàn toàn làm chủ thời gian làm việc trong một ngày của mình. Những quy định gò bó và áp lực trốn công sở không còn là mối bận tâm với bạn nữa. 

stress công việc
Giảm stress công việc

2. Làm việc năng suất hơn

Việc thường xuyên di chuyển đến những địa điểm mới sẽ truyền cảm hứng cho bạn rất nhiều. Những ý tưởng mới có thể đến bất chợt khi bạn đang ngắm cảnh. Một điểm đến lý tưởng sẽ tạo động lực để bạn làm việc hiệu quả hơn. 

3. Bạn sẽ dễ dàng thích nghi hơn

Di chuyển đến những địa điểm mới thường xuyên sẽ giúp các digital nomad tiếp cận với nhiều môi trường khác nhau. Điều này giúp họ rèn luyện khả năng thích nghi với những thứ mới mẻ. Đồng thời tạo ra nhiều trải nghiệm giúp họ thoát khỏi vùng an toàn. 

4. Bạn được tận hưởng cuộc sống và làm điều mình thích

Một digital nomad có thể vừa làm việc vừa thưởng ngoạn cảnh vật trên mỗi chuyến đi. Giờ giấc linh hoạt và lịch trình hiệu quả giúp họ có thêm nhiều thời gian cho sở thích của mình. 

Bất lợi khi trở thành một digital nomad là gì?

1. Thiết bị làm việc hạn chế

Vì phải di chuyển nhiều và không ở một nơi cố định quá lâu, bạn khó có thể mang theo toàn bộ thiết bị phục vụ công việc. 

2. Khó khăn về tài chính khi là một digital nomad

Nếu không có dự phòng tài chính trước khi quyết định làm digital nomad, có thể bạn sẽ phải sớm bỏ cuộc khi có khó khăn. Công việc của digital nomad không ổn định bằng một công việc văn phòng bình thường. Hơn thế việc vừa di chuyển vừa làm việc cũng phát sinh thêm nhiều chi phí như ăn ở, phương tiện. 

3. Sức khoẻ của bạn không được đảm bảo

Digital nomad không phải là lựa chọn dành cho tất cả mọi người. Nếu không phải là một người ưa xê dịch và có một sức khoẻ bền bỉ, bạn khó có thể theo đuổi lối sống này. 

làm digital nomad
Bất lợi khi làm digital nomad

4. Bạn sẽ thấy cô đơn 

Là một digital nomad, bạn phải xác định rằng mình sẽ luôn làm việc một mình. Đương nhiên sẽ có những trường hợp bạn bè cùng rủ nhau tham gia. Tuy nhiên đa phần digital nomad sẽ “đơn thương độc mã” trên hành trình của họ.

Mặc dù xu hướng làm việc từ xa đã trở thành một phần của chúng ta, digital nomad đâu đó vẫn là một công việc đầy thử thách. Cách tốt nhất để trở thành một digital nomad là gì? 

Những bí quyết giúp bạn trở thành một digital nomad thành công

1. Lập kế hoạch chi tiêu và ngân sách

Bạn cần có một bản dự trù kinh phí cho những chuyến đi của mình để tránh chi tiêu quá đà. Tính toán hết các khoản cần chi cho đi lại, ăn ở, v.v trong suốt hành trình xê dịch của bạn. 

Thời gian đầu khi mới làm digital nomad, bạn có thể sẽ gặp khó khăn về tài chính do công việc chưa ổn định. Vì vậy hãy tính toán sao cho bạn không gặp khó khăn nếu không thể kiếm ra tiền trong một thời gian.

Đọc thêm: 5 Apps Quản Lý Chi Tiêu Cá Nhân Cực Kỳ Hiệu Quả

2. Loại bỏ những chi phí không cần thiết đổi với một digital nomad

Khi sống như một digital nomad, bạn sẽ không cần đến một số hoạt động thường ngày. Chẳng hạn như tập gym, các khoản đăng ký hàng tháng, v.v. Cân nhắc loại bỏ bớt những khoản chi tiêu không cần thiết để giảm gánh nặng tài chính cho bạn. 

3. Có laptop và đường truyền internet ổn định

Đây là 2 điều kiện tiên quyết nhất định không thể thiếu, bởi bạn sẽ thường xuyên phải trao đổi công việc online, vì thế đường truyền internet ổn định và nhanh, cùng chiếc laptop nhỏ gọn có thể đem đi bất cứ đâu, giúp bạn vừa có thể thực hiện các cuộc gọi online, vừa chat hoặc soạn thảo văn bản để giải quyết công việc là rất cần thiết.

Hãy đảm bảo rằng đồng nghiệp, sếp, hay những người làm việc cùng bạn có thể liên lạc với bạn bất cứ lúc nào họ cần. 

4. Tìm hiểu kỹ nơi bạn đến

Hãy chắc chắn địa điểm bạn đến là nơi vừa để “du lịch” vừa để làm việc. Bạn cần đảm bảo rằng mình có đầy đủ những thứ cần thiết để làm việc. Đồng thời hãy tìm một nơi thuận tiện cho các sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, sạc pin máy tính, hay thậm chí gần bệnh viện cho những trường hợp khẩn cấp. 

kinh nghiệm cho digital nomad
Tìm hiểu kỹ nơi bạn đến

5. Mua bảo hiểm du lịch 

Việc xê dịch sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời nhưng không thể loại bỏ những rủi ro. Dành một khoản tiền cho bảo hiểm du lịch sẽ giúp bạn an tâm hơn nhiều. Một lưu ý quan trọng là hãy chọn loại bảo hiểm có hiệu lực đối với những điểm đến của bạn. 

6. Trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết

Hầu hết digital nomad đều di chuyển và sống một mình. Do đó những kỹ năng sống cơ bản và kỹ năng mềm như chăm sóc bản thân, giải quyết vấn đề, và sắp xếp công việc là rất quan trọng. 

Bên cạnh đó, bạn cũng cần có kỹ năng quản lý thời gian và kỷ luật bản thân để làm việc hiệu quả ngay cả khi không có sự giám sát. 

Đọc thêm: Những Phần Mềm Quản Lý Thời Gian Hiệu Quả

7. Hãy nhớ rằng đây không phải là một chuyến du lịch bình thường

Nếu là một digital nomad, bạn không chỉ đang đi nghỉ mà còn đi để làm việc. Đừng chỉ mải chìm đắm vào cảnh vật xung quanh mà quên đi công việc của mình. 

Những điểm đến lý tưởng dành cho các digital nomad

Theo Forbes, 10 thành phố tuyệt vời nhất để bắt đầu cuộc sống của một digital nomad bao gồm: 

  1. Toronto, Canada
  2. Madrid, Tây Ban Nha
  3. Auckland, New Zealand
  4. Madeira, Bồ Đào Nha
  5. Helsinki, Phần Lan
  6. Svalbard, Na Uy
  7. Berlin, Đức
  8. Valparaiso, Chile
  9. Dublin, Ireland
  10. Sydney, Úc

Danh sách này chỉ để tham khảo, bạn có thể lực chọn bất cứ địa điểm nào phù hợp với mình. 

Ai có thể trở thành Digital Nomad?

Những người không thích công việc văn phòng 8 tiếng

Nếu bạn thuộc tuýp người thích xê dịch và ghét ngồi 8 tiếng trên chiếc ghế cứng nhắc khó chịu trong văn phòng, ghét phải chấm vân tay mỗi sáng và ghét bị sếp để ý không biết mình có đi làm đúng giờ hay không, vậy thì digital nomad đích thị là công việc dành cho bạn.

Những người có kinh nghiệm nghề nghiệp lâu năm

Kinh nghiệm lâu năm sẽ giúp bạn có đủ uy tín để thu hút nhiều khách hàng và kiếm được mức thu nhập cao. Nếu bạn đã có kha khá kinh nghiệm và muốn bắt đầu điều gì đó mới mẻ trong sự nghiệp, hãy thử làm digital nomad nhé.

Các bạn sinh viên đang đi học, những bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc

Digital nomad sẽ là lựa chọn đúng đắn giúp các bạn trau dồi kinh nghiệm làm việc và có thêm mức thu nhập khá tốt để trang trải việc học hoặc các nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

Đọc thêm: Digital Marketing Bao Gồm Những Gì?

Vừa rồi là những kiến thức quan trọng giúp bạn trở thành một digital nomad chuyên nghiệp, hãy trang bị cho mình những công cụ và yếu tố cần thiết để bắt nhịp với loại hình công việc 4.0 đang rất phổ biến này nhé.

Kết luận: Bạn có nên chuyển sang làm digital nomad?

Sau khi tìm hiểu digital nomad là gì cùng với những thông tin liên quan và nếu có ý định theo đuổi lối sống này, hãy cân nhắc thật kỹ bạn nhé. Digital nomad quả thực là một lối sống lý tưởng nếu bạn muốn thoát khỏi sự gò bó trốn công sở. Tuy nhiên để thành công, bạn phải là người có kế hoạch và kỷ luật. 

Nguồn tham khảo

  1. The Ultimate Digital Nomad Guide: Best Remote Jobs, Where To Live, And Tips From An Expert
  2. Digital Nomad History
  3. What is a Digital Nomad and How Do You Become One?

Digital Nomad Là Gì? Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Digital Nomad?
Nguồn: glints.com

Tìm kiếm thêm bài có từ khóa:
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC MIỄN PHÍ

Nhập thông tin của bạn để xem Thần số học miễn phí từ Kabala: Đường đời, sự nghiệp, sứ mệnh...

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)