Những dự án hay công việc ngắn hạn song song với khoảng thời gian học tập và làm việc luôn đóng một vai trò không nhỏ trong việc làm nổi bật kinh nghiệm của bản thân.
Tuy nhiên, nếu không khéo léo thể hiện chúng sao cho hợp lý trong CV, bạn sẽ khiến người đọc lẫn lộn giữa những kinh nghiệm làm việc toàn thời gian và các dự án / công việc ngắn hạn.
Để biết thêm về cách trình bày những công việc ngắn hạn, theo dõi tiếp bài viết sau đây nhé!
Khi nào bạn nên liệt kê các dự án / công việc ngắn hạn vào CV?
Các dự án / công việc ngắn hạn là một bổ sung hữu ích cho sơ yếu lý lịch khi mà phần kinh nghiệm làm việc của bạn còn hạn chế và chưa cho thấy được một nền tảng đủ chuyên sâu cho công việc bạn muốn.
Chúng cũng rất có ích trong trường hợp bạn là một sinh viên mới ra trường, ít kinh nghiệm nhưng lại có hoạt động nghiên cứu lớn, nhỏ.
Hay bạn đang muốn chuyển hướng sang một công việc mới nơi mà những kinh nghiệm cũ không mang lại nhiều giá trị.
Trong những trường hợp này, một tiêu đề riêng trong CV mang tên “Projects” (Dự án) rất đáng để cân nhắc thêm vào.
Tuy nhiên, rất nhiều bạn mắc lỗi viết CV khi cố gắng lồng ghép các công việc ngắn hạn này vào phần kinh nghiệm làm việc. Bạn sẽ rất khó để miêu tả tốt các dự án đã đảm nhiệm, cũng như gây bối rối cho nhà tuyển dụng trong việc tiếp nhận thông tin.
Bạn chỉ nên gộp phần “Dự Án” và “Kinh nghiệm làm việc” nếu bạn là sinh viên mới ra trường và chưa có kinh nghiệm làm việc toàn thời gian tại một công ty nào đó.
Còn nếu đã có kinh nghiệm từ trước, bạn nên tách các dự án / công việc ngắn hạn ra khỏi mục “Kinh nghiệm làm việc” để không phá vỡ cấu trúc của CV.
Những dự án bạn nên bao gồm trong CV
Tương tự như khi chuẩn bị phần kinh nghiệm làm việc, đừng cố gây ấn tượng bằng cách thêm thật nhiều các công việc ngắn hạn bạn đã từng tham gia.
Thay vào đó, hãy đọc kỹ mô tả công việc và chọn ra những dự án có nhiều điểm tương đồng với yêu cầu tuyển dụng cho vị trí hiện tại.
Chỉ có vậy, những công việc ngắn hạn này mới giúp bạn làm nổi bật các kỹ năng cần thiết để thể hiện được trình độ chuyên môn.
Đương nhiên, mỗi một vị trí khác nhau mà bạn nộp đơn xin việc, các dự án cũng nên có sự thay đổi để phù hợp hơn với yêu cầu của công ty mới.
Bạn có thể chọn bất kỳ dự án nào, miễn là nó có liên quan. Chẳng hạn như những dự án trong các cuộc thi sinh viên được tổ chức bởi khoa, trường đại học hoặc một tổ chức nào đó.
Chúng cũng có thể là những dự án tự phát bạn phát triển cùng bạn bè, hoặc khi bạn tham gia như một freelancer vào các dự án ngắn hạn của một công ty nào đó.
Cách liệt kê các công việc ngắn hạn trong CV
Liệt kê các chi tiết quan trọng cơ bản
Bạn nên thêm đủ thông tin về từng dự án để bất kỳ ai đọc sơ yếu lý lịch của bạn đều có thể hiểu được.
Hãy cân nhắc thêm vào CV một miêu tả ngắn gọn về dự án bạn đã tham gia, như tên dự án, tổ chức thực hiện, mục đích và khoảng thời gian nó diễn ra.
Sau đó, hãy liệt kê về vai trò của bạn trong công việc ngắn hạn đó, chúng có tác động ra sao, cũng như kết quả và thành tựu mà dự án đạt được.
Tập trung vào thành tựu
Không quan trọng bạn học được nhiều hay ít, nhà tuyển dụng quan tâm nhất chính là kinh nghiệm đó có hữu dụng với họ hay không.
Hãy nêu thành tích, kỹ năng đã đạt được có thể phục vụ cho công việc tương lai của bạn.
Sử dụng từ khóa chính
Lên danh mục các từ khóa chính mô tả công việc của công ty ứng tuyển, sau đó chắt lọc và lồng ghép chúng vào phần mô tả vai trò của bạn trong dự án.
Hãy đảm bảo rằng ngay cả khi người tuyển dụng chỉ đọc lướt qua, họ vẫn có thể nắm được những ý chính thông qua những từ khóa này.
Chỉ cần đảm bảo bạn cung cấp đủ những thông tin gợi ý bên trên, phần mô tả dự án / công việc ngắn hạn của bạn sẽ có khả năng ghi điểm cao với nhà tuyển dụng.
Và nếu bạn cảm thấy chật vật trong quá trình ứng tuyển, Kabala Career sẽ đồng hành cùng bạn để biến những cú “click” chuột tẻ nhạt và lê thê này thành một cuộc hành trình thú vị!
Làm Thế Nào Để Đưa Những Công Việc Ngắn Hạn Vào CV?
Nguồn: glints.com