Nên làm gì sau khi bị sa thải? Câu hỏi có lẽ được nhiều người quan tâm khi mà làn sóng “layoffs” (sa thải) sau đại dịch vẫn tiếp diễn.
Ban đầu đa số những công ty công nghệ hay startup là các bên chịu ảnh hưởng và gia nhập làn sóng này chủ yếu. Tuy nhiên, thời điểm năm 2022 sắp kết thúc cũng là lúc tin tức layoffs của nhiều công ty lớn, tập đoàn được thông báo liên tục.
Bức tranh hiện thực về layoffs dạo gần đây
Các tập đoàn công nghệ đang phản ứng tích cực trước tình hình kinh tế thế giới bất ổn và sa thải là điều tất yếu. Tái cấu trúc, thu hẹp quy mô sau khi phát triển quá nhanh và tuyển dụng nhân sự ồ ạt là một trong những giải pháp được các nhà lãnh đạo đưa ra.
Đầu năm 2022, Shopee sa thải hàng loạt nhân sự trong khu vực Đông Nam Á mặc dù doanh thu quý I tăng 64,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc thua lỗ mặc dù tình hình có cải thiện cũng không loại trừ Shopee khỏi quyết định khó khăn này.
Trước tin tức sa thải từ những ông lớn như Twitter, Adobe, Stripe, nhân viên tại Google cũng đã dấy lên những mối lo về vấn đề này mặc dù Google cố gắng tránh việc sa thải hàng loạt. Tuy nhiên mới đây, có thông tin cho rằng Google đang lên kế hoạch sa thải 10,000 nhân viên có kết quả công việc kém. Điều này có nghĩa là quyết định sa thải sẽ dựa vào “performance review“.
Với tôn chỉ “con người ghét sự thiếu công bằng” và không muốn nhân viên của mình chịu cảnh ngẫu nhiên bị sa thải, Google sẽ dựa vào số liệu thực tế qua hệ thống xếp hạng, review để đảm bảo tính công bằng, không thiên vị.
Tuy nhiên, theo giáo sư Tsedal Neeley của đại học Harvard, đây chỉ là một lời nói dối. Nhiều chuyên gia tuyên bố rằng thực trạng sa thải ở các công ty công nghệ lớn là kết quả của việc xây dựng chiến lược mới, các dự án thất bại sau đại dịch và chính sách “thắt lưng buộc bụng” trước thời kỳ suy thoái kinh tế. Quyết định sa thải hàng hoạt dựa theo performance review của Google bỗng trở nên không mấy thuyết phục đối với nhân viên.
Trả lời tờ báo The Wall Street Journal vào ngày 5 tháng 12, Pepsico cho biết công ty này cũng sẽ cắt giảm hàng trăm vị trí tại các trụ sở chính ở New York, Chicago, Texas, Purchase, và Plano với lý do là “đơn giản tổ chức để vận hành hiệu quả hơn”.
Có rất nhiều công ty trên thế giới đã tiến hành sa thải nhân viên trong năm nay. Nếu tò mò muốn biết cụ thể những cái tên đó là gì, hãy tham khảo danh sách được tổng hợp bởi Intelligence: Các công ty đã thông báo sa thải và đóng băng tuyển dụng năm 2022.
Một số công ty có thể bạn đã biết nằm trong danh sách trên kèm số nhân viên đã bị sa thải:
- Meta: 11000
- Alphabet: 10000
- Amazon: 10000
- Alibaba: 10000
- Ford: 8000
- Twitter: 4400
- Microsoft: 1000
- H&M: 1500
- Oracle: 201
- Gap: 500
- Tencent: 5500
- Xiaomi: 900
- Wayfair: 900
- Crypto.com: 260
- Tesla: 200
Nếu bạn là một trong số những người chịu ảnh hưởng của làn sóng layoff, hãy nhớ rằng bạn không cô đơn và có rất nhiều cách để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nguyên nhân dẫn đến sa thải là gì?
1. Cắt giảm chi chí
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến quyết định sa thải là do công ty muốn giảm thiểu chi phí. Nhu cầu này có thể đến từ việc một công ty không tạo ra đủ lợi nhuận để bù vào các phí mà họ phải chi trả hoặc cần dồn tiền để trả các khoản nợ.
Khi tình hình kinh tế có chiều hướng đi xuống, công ty cũng cần đưa ra các chiến lược cắt giảm hợp lý phòng trừ trường hợp không kịp trở tay trong tương lai.
2. Dư thừa nhân sự dẫn đến việc cắt giảm
Layoffs có thể xảy ra khi công ty muốn cắt giảm nhân sự để tinh gọn bộ máy tổ chức và đưa các bộ phận vào hoạt động hiệu quả hơn.
Nguyên nhân này xuất phát từ giai đoạn sau đại dịch các công ty tuyển người ồ ạt và các công ty startup phát triển nhanh cũng mang về số lượng nhân sự đông đảo. Đến khi công ty đã đi vào ổn định, sẽ dần có những vị trí dôi ra và có thể cắt giảm.
Đọc thêm: Quiet Firing Là Gì? Dấu Hiệu Cảnh Báo Bạn Có Thể Bị “Sa Thải Trong Yên Lặng”
3. Sáp nhập hoặc mua lại
Định hướng và đường lối lãnh đạo của một công ty có thể thay đổi nếu công ty đó bị mua lại hoặc được sáp nhập vào một công ty khác. Bộ máy quản lý mới đi kèm với kế hoạch, chiến lược mới và rất có thể dẫn đến sa thải nhân viên.
Khi đó, dựa vào nhiều yếu tố như hiệu quả công việc, thâm niên, và mức độ quan trọng của vị trí mà công ty sẽ quyết định sẽ sa thải ai.
Bạn nên làm gì sau khi bị sa thải?
Bị sa thải quả thực khá là đau lòng nhưng có một sự thực bạn cần nhớ là lý do khiến bạn bị sa thải không phải do năng lực của bạn yếu kém. Bạn vẫn có sức mạnh để vượt qua nó.
Lúc này, nếu có thể hãy cho mình thời gian để được “nghỉ ngơi”, xem xét lại toàn bộ hoàn cảnh trước khi lao đầu đi tìm công việc mới. Có thể tinh thần của bạn chưa sẵn sàng để tiếp tục chiến đấu mặc dù những lý do khác đang thúc giục bạn như gánh nặng tài chính chẳng hạn.
Sau đây là một số việc bạn nên làm khi bị sa thải và trước khi tìm việc mới.
1. Xem lại hợp đồng lao động và chính sách công ty để biết được quyền lợi của mình sau khi bị sa thải
Pháp luật Việt Nam đã có quy định đảm bảo quyền lợi của người lao động khi bị sa thải. Cụ thể, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, khi đủ điều kiện, được thanh toán tiền lương và được trả lại sổ bảo hiểm xã hội cùng các giấy tờ có liên quan. Các quyền lợi được thể hiện rõ và đi kèm với điều kiện trong Điều 49 Luật làm việc 2013, Khoản 1 Điều 49 và Điều 114 Bộ luật lao động 2012.
Ngoài ra tuỳ theo chính sách riêng của từng công ty và thoả thuận của đôi bên khi làm hợp đồng lao động mà người lao động cũng được hưởng các quyền lợi khác như chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tìm việc làm mới, v.v.
Nếu bạn không biết phải làm gì sau khi bị sa thải, hãy nghĩ về quyền lợi của mình trước tiên.
2. Chấn chỉnh lại suy nghĩ của bạn
Có một điều chắc chắn rằng bị sa thải không phải do lỗi của bạn. Nó cũng không phản ánh giá trị hay kỹ năng của bạn.
Hầu hết các công ty sa thải nhân viên là do không chuẩn bị trước được kế hoạch đối phó với thời điểm khó khăn hoặc sự thay đổi đột ngột trong chiến lược kinh doanh.
Dôi dư nhân lực, thiếu việc làm, thiếu quỹ đầu tư, hoặc tái cấu trúc công ty là nguyên nhân của layoffs chứ không phải bạn. Vì vậy đừng tự trách hay hạ thấp giá trị của bản thân nếu bạn không may bị sa thải. Lúc này, có một tư duy tích cực cũng quan trọng không kém.
3. Viết xuống những thành tựu của bạn
Điều này nghe có vẻ không liên quan nhưng lại cực kỳ hữu ích trong thời điểm này khi mà bạn cần làm gì đó để bình tâm lại. Viết xuống những gì mình đã đạt được trong thời gian làm việc tại công ty sẽ giúp bạn bình tĩnh và giảm bớt cảm giác “vô dụng”. Bạn cũng sẽ nhận ra “à, hoá ra mình đã làm được nhiều điều cho công ty, chứ không phải vì không có đóng góp gì nên mới bị sa thải”.
Hãy nhìn lại và xem bạn đã làm được những gì. Bạn đã hoàn thành một dự án ra sao, biến tình thế khó khăn thành thắng lợi như thế nào.
Đây sẽ là những gạch đầu dòng hữu ích cho quá trình săn việc sau này của bạn.
4. Xác định thứ bạn muốn làm tiếp theo
Sau khi tâm trạng đã bình yên trở lại, đây là lúc lên dây cót và suy nghĩ về kế hoạch tìm việc mới. Việc này không nhất thiết phải làm luôn sau khi bạn bị sa thải. Có người sẽ cần thêm thời gian để “chữa lành” bằng một chuyến du lịch hoặc đơn giản là tạm nghỉ ngơi 1 – 2 tháng trước khi tìm việc.
Tuy nhiên, quyết định sa thải thường đến bất ngờ và nhiều người không có sự chuẩn bị trước để đối mặt với nó. Do vậy, họ thường phải nhanh chóng tìm một công việc mới để “điền vào chỗ trống”.
Đôi khi một khởi đầu mới sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn là cứ đắm chìm trong vấn đề cũ.
Do đó, để xác định được bước đi tiếp theo trong sự nghiệp sao cho tránh được nhiều rủi ro nhất có thể gây ra bởi layoffs, bạn nên tự trả lời những câu hỏi này:
- Bạn muốn làm công việc giống như trước đây hay chuyển ngành?
- Bạn muốn làm ở một công ty lớn hay nhỏ? Startup hay tập đoàn?
- Bạn muốn làm ở địa điểm cũ hay chuyển đến một thành phố, đất nước mới?
- Bạn muốn làm offline hay remote?
- V.v.
Trả lời được những câu hỏi trên giúp bạn thu hẹp lựa chọn khi bắt đầu tìm việc mới.
5. Tút tát lại CV của bạn
Công cụ không thể thiếu mỗi lần tìm việc là chiếc CV. Lần cuối cùng bạn động đến CV của mình là khi nào? Dù không mong muốn nhưng đã đến lúc sửa soạn lại vũ khí xin việc tối tân của bạn rồi.
Nếu bạn còn nhớ thì bên trên chúng ta đã cùng nhau ghi lại những thành quả mà bạn đã đạt được ở công ty cũ. Giờ là lúc chúng phát huy tác dụng. Hãy tóm gọn và điền những gạch đầu dòng ăn điểm nhất vào CV của bạn ở phần kinh nghiệm hoặc thành tựu.
Chuẩn bị một chiếc CV hoàn hảo, phù hợp với từng công việc mà bạn ứng tuyển sẽ đem lại nhiều cơ hội hơn.
Đọc thêm: Career Cushioning Là Gì?
6. Nghiên cứu thật kỹ và ứng tuyển vào vị trí mà bạn thực sự quan tâm
Dành thời gian nghiên cứu thị trường việc làm, công ty và mô tả công việc của từng vị trí không hề phí phạm vì nó không chỉ giúp bạn tìm được việc làm phù hợp mà còn tránh được rủi ro bị sa thải lần nữa.
Tìm hiểu về thị trường, ngành nghề, lĩnh vực ít chịu tác động của nền kinh tế bất ổn có thể giúp bạn tìm được những công ty có tỷ lệ sa thải thấp.
Tìm hiểu kỹ mô tả công việc, đối chiếu những yêu cầu về kỹ năng mềm, chuyên môn với CV sẽ giúp bạn dễ dàng điều chỉnh sao cho phù hợp hơn với mong muốn của nhà tuyển dụng.
Sự chủ động biến mình trở nên phù hợp hơn với công việc bằng cách linh hoạt thêm vào CV các kỹ năng chuyển giao (transferable skills) mang lại nhiều cơ hội cho bạn hơn.
Đọc thêm: Các Website Tuyển Dụng Việc Làm Uy Tín Hàng Đầu Việt Nam
7. Đừng ngại tìm đến sự giúp đỡ
Bị sa thải có thể là cú shock đối với bất cứ ai, đặc biệt trong thời điểm cuối năm khi thị trường việc làm khá ảm đạm. Nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của nhân viên, khiến họ mất tự tin và niềm tin vào sự nghiệp.
Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi chịu đựng một mình, hãy tìm đến ai đó để được giúp đỡ. Cấp trên hay đồng nghiệp trong nhóm là những người đầu tiên có thể cho bạn lời khuyên vì họ là người hiểu rõ nhất tình hình hiện tại của bạn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể liên hệ với đồng nghiệp cũng không may bị sa thải giống mình. Hoà vào một cộng đồng sẽ giúp bạn bớt cảm thấy cô đơn và các bạn cũng có thể dễ dàng hỗ trợ nhau cùng tìm ra hướng đi mới.
Tạm kết
Nền kinh tế vẫn sẽ có nhiều biến động và không ai có thể biết trước được tương lai sẽ ra sao. Làn sóng layoffs vẫn sẽ tiếp diễn. Tuy vậy, điều mà bạn cần làm là liên tục trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức cần thiết để dù có bị sa thải vẫn có thể dễ dàng vực dậy.
Trên đây là 7 chiến lược giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn sau khi bị sa thải. Nếu bạn đang băn khoăn nên làm gì sau khi bị sa thải, hy vọng bài viết này đã phần nào làm sáng tỏ câu hỏi đó.
Nếu bạn cần một bến đỗ tiếp theo, Kabala Career sẵn sàng giúp bạn rút ngắn con đường đến với bến đỗ đó.
Làn Sóng Layoffs Tiếp Tục Gọi Tên Các Công Ty Lớn Và Những Gì Bạn Có Thể Làm Nếu Bị Sa Thải
Nguồn: glints.com