Bên cạnh các thế hệ vẫn đang sống và phát triển, bạn đã nghe đến cái tên Lost Generation hay Thế hệ đã mất bao giờ chưa?
Ngoài những cái tên phổ biến như Thế hệ Z, Millennials, hay Baby Boomers, chúng ta còn có một thế hệ gọi là Lost Generation.
Nếu nhìn vào chân dung các thế hệ qua thời gian, bạn sẽ thấy lost generation chính là thế hệ đầu tiên được định danh.
Trong bài viết này, cùng Kabala Career tìm hiểu về thế hệ cách chúng ta rất nhiều năm lịch sử này nhé.
Lost generation là gì?
Lost generation – thế hệ đã mất hay còn gọi là thế hệ “lạc lõng”, là nhóm người trưởng thành trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (World War I hay Great War).
Đây là thế hệ trước của Thế hệ vĩ đại nhất (Greatest generation) và Thế hệ im lặng (Silent generation). Và đương nhiên, họ không còn sống đến bây giờ nữa.
Vốn dĩ cái tên The Lost Generation được dùng chủ yếu cho nhóm các tác giả thời đó. Nhưng nó dần được mở rộng ra để bao hàm cả một thế hệ những người sống sót sau Thế chiến thứ nhất.
Tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc tên gọi này và lý giải vì sao họ lại được cho là “lost” (đã mất hay lạc lõng) trong phần tiếp sau đây.
Đọc thêm: Generation Gap: Khoảng Cách Thế Hệ Là Gì
Tên gọi thế hệ đã mất bắt nguồn từ đâu?
Ernest Hemingway và lost generation
Thuật ngữ lost generation được phổ biến rộng rãi bởi Ernest Hemingway – một nhà văn Mỹ nổi tiếng, tác giả của nhiều tác phẩm kinh điển, đồng thời là một cựu quân nhân trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Trong tác phẩm đầu tay Mặt trời vẫn mọc (The Sun Also Rises 1926) của mình, ông đã lấy “lost generation” làm lời đề từ. Ernest Hemingway đã khắc hoạ hình ảnh thế hệ đã mất một cách sinh động và trần trụi nhất dựa trên chính trải nghiệm cuộc đời mình.
Chiến tranh đã lấy đi những thứ quí giá nhất của những con người được Ernest Hemingway gọi là thế hệ đã mất: người thân, bạn bè, và cả sức khoẻ. Họ sống sót với những vết thương hằn sâu và luôn cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng.
Sau khi được xuất bản, tác phẩm này đã trở thành hiện tượng trên các văn đàn khắp nước Mỹ và khái niệm “lost generation” dần trở nên phổ biến.
Mãi sau này trong tác phẩm Hội hè miên man (A Moveable Feast 1964) được xuất bản sau khi Ernest Hemingway qua đời, nguồn gốc thực sự của thuật ngữ “lost generation” mới được hé lộ.
Gertrude Stein và lost generation
Lost generation chủ yếu được xem là bắt nguồn từ Gertrude Stein, một nhà văn nữ người Mỹ, nhưng chủ yếu sống ở Pháp. Khái niệm lost generation cũng để chỉ kiều bào Mỹ đến sống ở Pháp sau thế chiến.
Thế nhưng bà cũng không phải là người tạo ra thuật ngữ này. Có câu chuyện khác nữa đằng sau nguồn gốc của nó.
Cụ thể, cụm từ “lost generation” được nhắc đến đầu tiên bởi một người chủ gara đã bảo dưỡng chiếc ô tô của Stein tại Pháp. Khi một người thợ trẻ tuổi nằm xuống để sửa chiếc xe cho Stein một cách chậm chạp, người chủ đã quát rằng: “You are all a ‘génération perdue” (các cậu đều là thế hệ đã mất).
Về sau, Stein được nghe lại từ người chủ khách sạn mà bà ở tại Pháp và cũng là một cựu chiến binh trong cuộc Đại chiến – Monsieur Pernollet. Stein giải thích thêm về bình luận của Pernollet về những chàng trai trong độ tuổi 18 – 25 được khai khoá văn mình. Tuy nhiên họ đã bị tước đi cơ hội đó vì phải tham gia chiến đấu.
Thực tế Stein chỉ đơn giản là nhắc lại cụm từ này và chia sẻ nó với bạn bè của mình. Bà đã dịch nghĩa cụm từ ”une generation perdue” trong tiếng Pháp sang tiếng Anh thành “lost generation”. (1)
Thế hệ đã mất trong Thế chiến I
Có khoảng 20 triệu người trên toàn thế giới đã mất và 20 triệu người nữa bị thương trong Thế chiến thứ nhất. Họ đa phần là những người trẻ tuổi phục vụ trong quân đội. (2)
Đặc biệt, những người sinh ra vào hai thập kỷ cuối của những năm 1800 chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề. Những người sống sót sau cuộc Đại chiến bị tổn thương sâu sắc về cả thể chất lẫn tinh thần. Mất đi bạn bè và người thân, sự nghiệp hay tương lai của họ cũng tan thành mây khói.
“Lost generation” là một thế hệ “may mắn” sống sót sau chiến tranh nhưng một phần nào đó trong con người họ dường như đã “chết” trong khói đạn. Họ còn sống nhưng luôn cảm thấy lạc lõng, chán nản, và bi quan về tương lai.
Lost generation trong văn chương
Thế hệ đã mất bao gồm rất nhiều nhà văn, nhà thơ thời bấy giờ. Tiêu biểu là thế hệ tác giả di cư sang châu Âu bao gồm Ernest Hemingway, Gertrude Stein, F. Scott Fitzgerald, và T.S. Eliot.
Có 3 xu hướng nội dung chủ yếu trong văn chương thế hệ đã mất:
- Sự suy đồi của xã hội
Các nhà văn chủ yếu khắc hoạ sự suy đồi của xã hội thông qua cuộc sống xa hoa, phù phiếm của những người trẻ tuổi giàu có thời hậu chiến. Các tác phẩm kinh điển phải kể đến Đại gia Gatsby của Fitzgerald, Hội hè miên man và Mặt trời vẫn mọc của Ernest Hemingway.
- Vai trò của giới và sự bất lực
Những nhận vật trong tác phẩm Mặt trời vẫn mọc của Ernest Hemningway đều là đại diện cho thế hệ đã mất. Họ là những người chịu nhiều mất mát và tổn thương sau cuộc chiến, và phải đối mặt với những vấn đề về giới trong xã hội.
- Lý tưởng hoá quá khứ
Tư tưởng lãng mạn hoá triến tranh bao trùm lên lost generation khiến họ quên đi việc phải đối mặt với hiện thực khốc liệt của cuộc sống sau chiến tranh. Họ tạo cho quá khứ một hình hài bóng bẩy, hào nhoáng, quyến rũ, và cố gắng đạt được bằng mọi niềm tin và nỗ lực.
Để rồi sau cùng, sự thất vọng xảy đến một cách tàn nhẫn được khắc hoạ xuất sắc trong tác phẩm kinh điển Đại gia Gatsby của F. Scott Fitzgerald.
Kết
The lost generation – thế hệ đã mất có quá xa vời để chúng ta bàn luận trong hiện tại?
Họ sinh ra và trưởng thành khi thế giới vẫn còn đang loạn lạc, chính trị và đạo đức xã hội lúc bấy giờ ảnh hưởng lên suy nghĩ và hành động của họ. Thế hệ này đã không còn nữa, nhưng phải chăng lost generation có thể được tìm thấy đâu đó trong thế giới mà chúng ta đang sống?
Đó chính là “những con người lạc lõng, không có định hướng về tương lai, không biết mình là ai, mình muốn gì.”
Nếu bạn có chung suy nghĩ, đừng quên để lại bình luận phía dưới nhé.
Nguồn tham khảo
Lost Generation: Thế Hệ Đã Mất Là Gì?
Nguồn: glints.com