Những Điều Bạn Cần Biết Về Ngành Quản lý sản phẩm (Product Management)

Đối với một doanh nghiệp, sản phẩm luôn được coi là “xương sống”. Sản phẩm tốt là điều kiện cần để một công ty có thể phát triển bền vững.

Để tạo ra một sản phẩm không phải là quyết định của một người, đó là vai trò chung của cả một nhóm chuyên viên phát triển và quản lý sản phẩm. 

Có thể nói, vai trò của những người này quyết định không nhỏ tới trải nghiệm khách hàng, từ những lợi ích chính đạt được khi sử dụng sản phẩm, cho tới những giá trị cảm nhận nâng cao.

Điều này đã đủ nói lên tầm quan trọng của lĩnh vực Quản lý sản phẩm (Product management). Nếu bạn đang tò mò về ngành nghề này, hãy theo dõi tiếp nội dung bên dưới nhé!

Quản lý sản phẩm là gì?

Quản lý sản phẩm, hay Product management, là khái niệm bao phủ toàn bộ những gì liên quan đến sản phẩm và trải nghiệm của người dùng đối với sản phẩm đó. 

Người làm trong lĩnh vực Quản lý sản phẩm phải hướng đến việc xây dựng cả một vòng đời của sản phẩm, thiết lập những giá trị mang lại cho khách hàng thông qua sản phẩm, chứ không đơn thuần là tạo ra một sản phẩm đẹp.

quản lý sản phẩm là gì
© Freepik.com

Nhiệm vụ chính của vai trò Quản lý sản phẩm là phải đảm bảo những nguyên tắc phát triển và đưa sản phẩm đi vào hoạt động, chẳng hạn như:

  • Định vị các ý tưởng mới để phát triển sản phẩm và các tính năng đi kèm 
  • Làm việc với đội ngũ kỹ thuật và thiết kế để đưa ý tưởng thành sản phẩm thực tế 
  • Luôn đảm bảo rằng sản phẩm phát triển phải đáp ứng nhu cầu của người dùng hoặc khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp

Hơn nữa, người làm trong ngành này phải luôn cập nhật thị trường, nghiên cứu thị hiếu, để có những thay đổi hoặc cải tiến thích hợp trong tương lai sau khi hoàn thiệu đầu ra của doanh nghiệp.

Vì sao quản lý sản phẩm (Product management) lại quan trọng?

Quản lý sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm và trải nghiệm mới cho người dùng. 

Họ như một cầu nối giữa khách hàng mục tiêu với đội ngũ bên trong công ty, chẳng hạn như Kỹ thuật, Thiết kế, hay ban lãnh đạo. Điều này nhằm giúp tạo ra sự kết dính giữa mục đích của doanh nghiệp với nhu cầu của khách hàng. 

điều cần biết về quản lý sản phẩm
© Freepik.com

Nếu không có tiếng nói của đội ngũ Quản lý sản phẩm, các nhóm này sẽ gặp khó khăn trong việc phản hồi và đáp ứng lại những mối quan tâm khác nhau của khách hàng trên thị trường.

Quan trọng nhất, các nhà quản lý sản phẩm có thể xác định được yếu tố thành công chính cho mỗi sản phẩm; đồng thời vạch ra chiến lược phát triển có tác động tốt nhất đến khách hàng và mục tiêu của công ty. 

Các vai trò/ vị trí trong ngành quản lý sản phẩm

Mặc dù chức năng cơ bản của một Product Manager (Người quản lý sản phẩm) là tương tự như nhau. Tuy nhiên, tùy vào kinh nghiệm, lĩnh vực chuyên môn mà ngành quản lý sản phẩm cũng có nhiều chức danh chuyên biệt.

Growth Product Manager (Người nghiên cứu tăng trưởng sản phẩm)

Vị trí quản lý sản phẩm này chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ tăng trưởng hơn nữa những dữ liệu cụ thể mà công ty đã đặt ra để đo lường sự phát triển của sản phẩm và doanh nghiệp.

Thông thường họ sẽ làm việc chặt chẽ với những bộ phận Truyền thông hoặc Phát triển kinh doanh để đảm bảo các sáng kiến phù hợp với thị hiếu của khách hàng.

Hầu hết các Growth Product Manager sẽ thường xuyên chạy các chiến dịch ngắn hạn, nghiên cứu cách tiếp cận thích hợp, giá thích hợp và không ngừng đổi mới sản phẩm để mở rộng hơn thị trường mục tiêu.

Data Product Manager (Người quản lý dữ liệu sản phẩm)

Vai trò quản lý sản phẩm này chịu trách nhiệm theo dõi toàn bộ các dữ liệu được sử dụng để đo lường tính hiệu quả trong suốt vòng đời của một sản phẩm. 

Họ hoạt động như một chuyên gia dữ liệu trong một tổ chức và thường được tuyển với yêu cầu kiến ​​thức nền tảng vững chắc hoặc được đào tạo về khoa học dữ liệu.

cần biết gì về quản lý sản phẩm
© Freepik.com

Chức năng chính của người quản lý dữ liệu sản phẩm là đảm bảo rằng những tương tác của khách hàng với một sản phẩm được theo dõi kỹ lưỡng bằng các số liệu. Từ đó, họ có thể cung cấp cho các bên liên quan những phân tích chi tiết về cách người dùng đón nhận và sử dụng sản phẩm đó như thế nào.

Thông qua những dữ liệu đó, họ có thể điều chỉnh chiến lược quản lý sản phẩm và đóng góp những giải pháp toàn diện hơn. 

Technical Product Manager (Người quản lý kỹ thuật sản phẩm)

Như tên gọi của chức danh đã thể hiện, nền tảng về kỹ thuật luôn là yêu cầu bắt buộc với những vai trò này.

Đó là vì vị trí này sẽ phải phối hợp với các nhóm Kỹ thuật/Công nghệ để cải thiện những yếu tố bên trong như chức năng cốt lõi của sản phẩm, tính bảo mật hoặc thành phần/tính năng kỹ thuật khác của sản phẩm. 

Các vai trò quản lý sản phẩm này sẽ ít tập trung hơn vào hình thức bên ngoài của một sản phẩm. Thay vào đó, họ chuyên tâm vào việc đảm bảo rằng các hoạt động bên trong của nó là tốt nhất và vững chắc nhất.

Thông thường, các Nhà quản lý sản phẩm kỹ thuật có thể là những người phát triển sự nghiệp từ một kỹ sư, chuyên viên công nghệ, hay lập trình viên.

Công việc của một Product Manager bao gồm những gì?

Trách nhiệm của Người quản lý sản phẩm có thể khác nhau tùy vào tính chất doanh nghiệp và loại hình sản phẩm. Tuy nhiên, tất cả các vai trò quản lý sản phẩm đều đòi hỏi một số nhiệm vụ chung quan trọng để xây dựng và phát triển sản phẩm.

Nghiên cứu

Điều mà một Product Manager cần quan tâm nhất chính là nhu cầu của người dùng cuối cho sản phẩm của họ. Do đó, phần lớn thời gian của Người quản lý sản phẩm được dành để thực hiện và phân tích cả nghiên cứu thị trường và tâm lý, hành vi người dùng.

Các Product Manager phải phân tích nhu cầu của khách hàng và sự phù hợp của sản phẩm với thị trường. Từ đó đưa ra được dẫn chứng thích hợp thuyết phục công ty triển khai kết quả nghiên cứu đó. 

Xây dựng lộ trình và yêu cầu của sản phẩm

Sau khi tiến hành nghiên cứu, các Product Manager sẽ giúp xác định lộ trình xây dựng và phát triển sản phẩm đó. 

điẻu cần biết về quản lý sản phẩm
© Freepik.com

Với mỗi một sản phẩm mới, bộ phận Quản lý sản phẩm sẽ thiết lập từng bước để dần hình thành sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định, dựa trên nguồn cung ứng sẵn có và sự trợ giúp của các nhóm quản lý dự án.

Các Product Manager có trách nhiệm đảm bảo rằng nhóm Kỹ sư xây dựng sản phẩm theo sát những yêu cầu và quy định gắt gao đã được thiết lập trước đó.

Thử nghiệm và ra mắt

Khi quá trình phát triển hoàn tất, các Product Manager với vai trò quản lý sản phẩm sẽ thử nghiệm tính năng mới và lặp đi lặp lại những thử nghiệm này cho đến khi có kết quả tốt nhất.

Đôi khi, các sản phẩm ​​lớn sẽ có thêm những giai đoạn chạy thử trên thị trường với sự tham gia của những người dùng cuối. 

Nhiệm vụ của các Product Manager là đo lường sự thành công của từng giai đoạn và làm việc với bộ phận Kỹ thuật để giải quyết bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong quá trình thử nghiệm.

Phân tích và trình bày kết quả

Khi một sản phẩm hay tính năng mới ra mắt và xuất hiện trước khách hàng, Người quản lý sản phẩm thường chịu trách nhiệm theo dõi và báo cáo lại tính hiệu quả của sản phẩm cho ban lãnh đạo doanh nghiệp. 

Họ tận dụng một số công cụ và báo cáo phân tích khác nhau để đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng các kỳ vọng đặt ra ở giai đoạn nghiên cứu và tính chính xác cao.

quản lý sản phẩm
© Freepik.com

Liệu sau khi tìm hiểu, bạn đã có thêm hứng thú để tham gia vào lĩnh vực Quản lý sản phẩm (Product management) hay chưa? Tuy rất nhiều thách thức và không đơn giản, nhưng cảm giác xây dựng được những sản phẩm mang lại lợi ích thiết thực cho những người xung quanh chắc chắn sẽ đáng giá với nỗ lực của bạn!

Nếu những thông tin trên hữu ích với bạn, hãy click ngay vào hashtag Product Management bên dưới để cập nhật những bài viết mới nhất về ngành Product Management nhé!


Những Điều Bạn Cần Biết Về Ngành Quản lý sản phẩm (Product Management)
Nguồn: glints.com

Tìm kiếm thêm bài có từ khóa:
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC MIỄN PHÍ

Nhập thông tin của bạn để xem Thần số học miễn phí từ Kabala: Đường đời, sự nghiệp, sứ mệnh...

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)