Mentoring là cố vấn, hướng dẫn người khác. Vậy bạn có biết reverse mentoring là gì không? Đây là một hình thức khá mới và nghe có vẻ khá đi ngược dòng so với định nghĩa mentoring thường gặp. Tuy nhiên, áp dụng reverse mentoring vào công việc sẽ đem lại những hiệu quả không ngờ.
Vậy reverse mentoring là gì?
Reverse mentoring là hình thức đào tạo ngược được áp dụng trong môi trường công ty. Khi ấy, những người trẻ hơn, thường là nhân viên mới hoặc nhân viên ở vị trí thấp hơn, lại trở thành người hướng dẫn và giảng dạy cho những người lớn tuổi hoặc có kinh nghiệm hơn trong công việc.
Khái niệm reverse mentoring xuất hiện vào những năm 1990, xuất phát từ việc chia sẻ kỹ năng giữa những người làm kỹ thuật. Khái niệm này được gọi là “reverse” mentoring (ngược) vì theo truyền thống, người trẻ sẽ được hướng dẫn bởi những người tiền bối.
Reverse mentoring chính là cơ hội để các hậu bối chia sẻ kiến thức, kỹ năng và quan điểm mới của mình với những người có sự khác biệt về thế hệ và tư duy. Cũng qua đây mà những người lớn hơn cũng có cơ hội hiểu và học hỏi thêm về các công nghệ, ý tưởng và quan điểm của thế hệ trẻ.
Lợi ích từ hình thức reverse mentoring
Hình thức reverse mentoring đang dần trở nên quan trọng hơn vì nhiều lý do. Đó là:
Cơ hội chia sẻ kiến thức và kỹ năng mới
Reverse mentoring cho phép người trẻ chia sẻ kiến thức và kỹ năng mới, đặc biệt là những thứ liên quan đến công nghệ và xu hướng mới. Nhờ đó, những người thuộc thế hệ trước có thể cập nhật thông tin, học hỏi và áp dụng những điều này vào công việc của mình. Một người thuộc thế hệ Millennial đã chia sẻ:
“Trong lĩnh vực hướng dẫn nghề nghiệp trực tuyến, Gen Z tiên tiến hơn rất nhiều về công nghệ. Đó là lý do tôi được cố vấn bởi một người trẻ hơn tôi 15 tuổi — để giúp tôi hiểu không chỉ những khó khăn của thế hệ họ khi tìm kiếm việc làm mà còn cả các chiến lược, tiếng nói và phương tiện nào sẽ giúp tôi tiếp cận họ tốt hơn. Phương pháp cố vấn ngược này rất lý tưởng vì nó mang đến cho tôi những hiểu biết sâu sắc về tâm trí của một thế hệ mà tôi khó có thể liên hệ/hiểu được.”
Thúc đẩy sự đổi mới
Những ý tưởng và quan điểm từ những người trẻ tuổi và ít kinh nghiệm có thể thúc đẩy sự đổi mới trong công ty. Đồng thời, reverse mentoring khuyến khích những người với lượng kiến thức và kinh nghiệm riêng mở rộng tư duy, đánh giá lại phương pháp làm việc và khám phá cách tiếp cận mới với những công việc, xu hướng quanh mình.
Chẳng hạn, một giám đốc kinh doanh kỳ cựu cũng có thể được cố vấn bởi một sinh viên mới tốt nghiệp đại học về cách sử dụng phương tiện truyền thông xã hội tốt nhất trong chiến lược phát triển kinh doanh; hay một nhân viên Gen Z hướng dẫn nhân viên Gen X về các xu hướng marketing online mới nhất, v.v.
Tạo cầu nối giữa các thế hệ
Reverse mentoring có thể rút ngắn khoảng cách thế hệ giữa các nhân viên. Thường thì với khoảng cách tuổi tác quá lớn, các nhân viên trẻ và nhân viên lớn tuổi hơn sẽ cảm thấy khó giao tiếp và khó hiểu nhau.
Việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa tiền bối và hậu bối chính là cách phát triển một môi trường làm việc đa thế hệ, nơi mọi người có thể học hỏi và cùng nhau phát triển với lằn ranh thế hệ được xoá mờ.
Đọc thêm: The Generation Gap: Khoảng Cách Thế Hệ Là Gì?
Nâng cao tương tác và nỗ lực cống hiến
Một trong những lợi ích lớn nhất của reverse mentoring là gì? Khi những người được coi gạo cội và “lính mới” có cơ hội tương tác, hiểu và tôn trọng nhau hơn, vô hình chung môi trường làm việc cũng trở nên tích cực. Khi đó, bạn cũng sẽ cảm thấy được gắn kết, tôn trọng và có cơ hội phát triển cá nhân.
Vì vậy mà nỗ lực cống hiến cho doanh nghiệp cũng trở nên mạnh mẽ hơn.
Với những lợi ích trên, hình thức reverse mentoring nên trở nên phổ biến trong các tổ chức và công ty thế hệ hiện đại.
Làm thế nào để triển khai reverse mentoring?
Để thực hiện reverse mentoring một cách hiệu quả tại nơi công sở, chúng ta có thể áp dụng những cách sau đây:
Xác định mục tiêu rõ ràng
Đầu tiên, bạn cần định rõ mục tiêu bạn muốn đạt được thông qua reverse mentoring. Chẳng hạn như chia sẻ kiến thức về công nghệ, tăng cường tư duy sáng tạo hay xây dựng kết nối giữa các thế hệ trong công ty? Điều này sẽ giúp chúng ta xác định được phạm vi và nội dung cần có của chương trình.
Lựa chọn đúng “combo”
Thứ hai, chúng ta cần chọn ra những cặp mentor và mentee phù hợp với nhau. Người trẻ cần có kiến thức, kỹ năng và quan điểm phù hợp để dễ “chém gió” với người “già hơn” hơn. Đồng thời, các tiền bối cũng cần có một chút tò mò và tinh thần sẵn lòng học hỏi từ những người trẻ.
Đọc thêm: Đi Đâu Để Tìm Cho Mình Một Mentor?
Theo dõi và đánh giá
Sau mỗi buổi chia sẻ, cả hai bên cũng cần chia sẻ và lắng nghe phản hồi của nhau để cải thiện và tối ưu hóa hoạt động mentor này. Việc đánh giá lại các buổi hướng dẫn và cố vấn sẽ đảm bảo tính hiệu quả và giúp chúng ta đạt được những kết quả như mong đợi.
Thành lập hoạt động chính thức
Nếu reverse mentoring tạo ra hiệu ứng tốt, công ty có thể lập nên các kế hoạch reverse mentoring chính thức với mục tiêu và quy trình rõ ràng. Điều này có thể giúp đồng bộ trong việc triển khai reverse mentoring và phát triển văn hoá doanh nghiệp một cách tích cực.
Ngoài các buổi mentor, các doanh nghiệp có thể lồng ghép tổ chức thêm những buổi gặp gỡ, hội thảo hoặc hoạt động nhóm để tăng cường sự tương tác và gắn kết.
Khuyến khích tham gia tự nguyện
Một lưu ý rất lớn là nhân viên nên có tinh thần tự nguyện khi tham gia reverse mentoring. Có vậy thì tinh thần thoải mái và sự tích cực mới hiện diện và dẫn tới kết quả tốt cuối cùng.
Với những phương pháp trên, reverse mentoring có thể được triển khai một cách hiệu quả tại công sở, tạo ra sự phát triển và sự đổi mới liên tục.
Mong rằng bạn đã biết thêm về một xu hướng mới qua chia sẻ trên của Kabala Career. Đừng quên theo dõi và cập nhật các thông tin mới và hữu ích nhất nhé!
Reverse Mentoring Là Gì? Mô Hình Mentor Đem Lại Lợi Ích Cực Lớn Cho Môi Trường Làm Việc Đa Thế Hệ
Nguồn: glints.com