Khi tìm thấy một bản mô tả công việc có vẻ hợp với mình, bạn sẽ làm gì để chắc chắn rằng nó xứng đáng để bạn ứng tuyển?
Mô tả công việc có thể cho bạn biết rất nhiều thứ, không chỉ vai trò mà còn về công ty và văn hoá. Hãy dành thời gian đọc kỹ mô tả công việc và dựa vào nó để chăm chút cho việc ứng tuyển của bạn.
Nhưng làm sao để đọc một mô tả công việc đúng cách, nhất là đối với mô tả công việc cấp độ entry-level?
Đừng lo! Bạn sẽ biết cách đọc mô tả công việc siêu hiệu quả để không mất thời gian và nắm được thông tin cần thiết.
Bản mô tả công việc là gì?
Bản mô tả công việc là tài liệu mô tả chi tiết về các nhiệm vụ, trách nhiệm, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc và yêu cầu khác cần thiết cho một vị trí công việc cụ thể. Nó cũng có thể bao gồm thông tin về lương, phúc lợi và các điều kiện làm việc khác.
Bản mô tả công việc giúp nhà tuyển dụng và nhân viên tiềm năng hiểu rõ công việc được yêu cầu và có thể đánh giá xem một ứng viên có phù hợp với vị trí đó hay không. Nó cũng là công cụ quan trọng để đánh giá hiệu suất lao động và định hướng sự phát triển nghề nghiệp, giúp nhà tuyển dụng tìm được ứng viên phù hợp.
Tại sao việc đọc kỹ mô tả công việc lại quan trọng?
Mô tả công việc là những gì nhà tuyển dụng chia sẻ về một vị trí công việc trên bất cứ website hay app tìm việc nào. Nó bao gồm tất cả chi tiết về công việc, công ty, tất cả mọi thứ mà người tuyển dụng đang tìm kiếm ở một ứng viên. Điều quan trọng không chỉ là đọc tất cả thông tin có trên mô tả công việc. Quan trọng là bạn phải hiểu được hết những gì có trong đó.
Bất kể khi bạn ứng tuyển vào vị trí nào, bạn cần thể hiện được giá trị mà bạn sẽ mang lại cho một nhóm hoặc công ty. Bản mô tả công việc chính là kim chỉ nam giúp bạn biết một công ty đang cần gì.
Đọc thêm: Tìm Việc Dễ Dàng Hơn Bao Giờ Hết Với Ứng Dụng Kabala Career
Có gì bên trong một bản mô tả công việc?
Mỗi bản mô tả có thể sẽ không giống nhau về tất cả thông tin có trong đó và thứ tự của thông tin. Với mỗi đầu mục, hãy đánh dấu những gì bạn đặc biệt phù hợp với tiêu chí đặt ra cũng như chúng đáp ứng đúng nguyện vọng của bạn hay không:
- Tên vị trí: Chú ý đến tiêu đề công việc có phù hợp với trình độ hiện tại và mối quan tâm của bạn hay không.
- Tên công ty: Biết được tên công ty, bạn có thể thực hiện một vài nghiên cứu nhỏ trước khi ứng tuyển để xem xét đây có phải nơi làm việc bạn mong muốn không.
- Mô tả công ty: Hãy chú ý đến cách công ty giới thiệu về họ bao gồm những thông tin như giá trị, sự phát triển hoặc nhân sự. Thông qua mô tả công ty bạn có thể thấy được điều gì là quan trọng nhất đối với họ và cân nhắc liệu bạn sẽ làm được gì cho họ.
- Hình thức làm việc: Bản mô tả công việc cần nói rõ nhà tuyển dụng tuyển nhân viên full-time, part-time hay hợp đồng.
- Địa điểm làm việc: Đây có thể là địa chỉ, cũng có thể là hình thức làm việc như offline tại văn phòng, remote hay hybrid.
- Tóm tắt công việc: Đây là giới thiệu tổng quát về công việc nhân viên sẽ đảm nhận cho một vị trí.
- Trách nhiệm công việc cụ thể: Các công ty thường mô tả trách nhiệm công việc bằng cách liệt kê chúng theo dạng bullet point. Công việc có thể được nói rõ theo từng ngày, từng tuần hoặc một lịch trình thường xuyên.
- Trình độ yêu cầu: Phần này có thể bao gồm các thông tin như số năm kinh nghiệm, trình độ học vấn, kỹ năng, chứng chỉ, chứng nhận, yêu cầu kiểm tra người tham chiếu, v.v. Những thông tin này có thể được tách nhỏ ra làm nhiều mục.
- Các yêu cầu về trình độ bổ sung: Đây là những yêu cầu được đánh dấu là “ưu tiên/nice-to-have. Chúng không bắt buộc nhưng có thì sẽ là một điểm cộng.
- Phúc lợi: Các công ty sẽ liệt kê những lợi ích đi kèm với công việc.
- Lương: Không phải bản mô tả công việc nào cũng tiết lộ mức lương vì nó không bắt buộc. Nếu mô tả công việc có kèm lương, hãy xem nó có đúng với mức lương mong muốn của bạn không.
- Thông tin về tình trạng nhập cư: Một số công ty tuyển nhân sự nước ngoài có thể kèm theo thông tin này để thông báo rằng họ có thể hỗ trợ cấp tài trợ thị thực.
- Hướng dẫn ứng tuyển: Cung cấp cách thức ứng tuyển như ứng tuyển qua hình thức nào cùng các tài liệu ứng viên cần nộp.
Đó là những thông tin cơ bản trong một bản mô tả công việc. Mỗi thông tin đều quan trọng và đều nên được xem xét như nhau trước khi bạn đưa ra quyết định có nên nộp CV.
Những thông tin quan trọng bạn cần chú ý khi đọc mô tả công việc
Bạn không cần phải đọc mô tả công việc như thể đang chuẩn bị trả lời mọi câu hỏi liên quan đến JD từ nhà tuyển dụng. Nhưng bạn cần hết sức tập trung khi đọc nó và nên đọc nhiều hơn một lần.
Trong khi đọc mô tả công việc, bạn sẽ thấy có những thông tin được viết rất rõ ràng và ngược lại, có những thông tin thì không. Do vậy, hãy đọc thật kỹ để chắc chắn là bạn đã hiểu hết những gì được nhắc tới.
Sau đây là những thông tin quan trọng bạn cần chú ý trong một mô tả công việc:
Những phẩm chất/yêu cầu nhà tuyển dụng cần ở một ứng viên
Khi đọc hãy đánh dấu những thông tin thể hiện yêu cầu của nhà tuyển dụng. Bạn có thể phân ra làm 4 loại thông tin như thế này:
- Kinh nghiệm việc làm
- Kỹ năng
- Trình độ học vấn
- Giá trị của công ty
Điều gì quan trọng nhất đối với vị trí công việc này
Làm sao để biết điều gì trong số kinh nghiệm, kỹ năng, trình độ và giá trị quan trọng nhất quyết định một người có phù hợp với công việc mà bạn ứng tuyển? Có những dấu hiệu mà bạn có thể dựa vào để lần ra đáp án:
- Sự lặp lại: Thông thường, một bản mô tả công việc sẽ bao gồm 3 đến 5 chủ đề hoặc ý tưởng được nhắc đi nhắc lại giữa các đầu mục. Đó có thể là những năng lực và phẩm chất chủ chốt giúp một người làm tốt công việc. Một kỹ năng càng xuất hiện nhiều lần, càng chứng tỏ mức độ quan trọng của mình. và bạn nên đặc biệt chú ý đến nó.
- Thứ tự của thông tin: Trong một bản mô tả công việc, các thông tin được liệt kê đầu tiên có thể là những thông tin quan trọng mà nhà tuyển dụng muốn nhấn mạnh.
Những từ khoá bạn có thể sử dụng sau này
Cũng giống như yêu cầu về trình độ hay kỹ năng quan trọng, bạn sẽ thấy những từ khóa quan trọng trong một mô tả công việc. Hãy phân chia các từ khoá này theo các nhóm như yêu cầu công việc, kinh nghiệm và kỹ năng. Bạn sẽ có thể dùng chúng trong buổi phỏng vấn tương lai.
Ví dụ yêu cầu công việc là lên kế hoạch nội dung cho fanpage, bạn có thể trình bày trong buổi phỏng vấn rằng mình có kinh nghiệm trong mảng đó, đặc biệt nhắc đến đúng từ khoá “kế hoạch nội dung cho fanpage” để lập tức ghi điểm. Đương nhiên, chỉ nên nói ra điều đó nếu bạn thực sự có kinh nghiệm.
Đọc thêm: Sinh Viên Mới Ra Trường Nên Tìm Việc Như Thế Nào?
Mô tả công việc có sử dụng các từ đao to búa lớn và mơ hồ hay không?
Những cụm từ mang tính chất xu hướng có thể khiến một JD trông khá hoa mỹ và ấn tượng, tuy nhiên lại gây khó hiểu cho người đọc. Cách nói “không ngại làm việc dưới áp lực” hay “làm hết sức chơi hết mình” có vẻ mang tính cổ vũ nhưng lại không mất thuyết phục một người đang tìm việc muốn biết rõ mình phải làm việc tới mức độ nào, cường độ công việc ra sao?
Thông tin càng thẳng thắn, rõ ràng càng khiến một mô tả công việc đáng tin cậy và nhận được sự chú ý từ người khác.
Mô tả công việc có dấu hiệu gì khả nghi không?
Bạn nên cẩn thận với những thông tin tuyển dụng bằng cách xem xét kỹ những dấu hiệu có thể cho thấy bạn không nên ứng tuyển. Một số dấu hiệu để tránh bị lừa đảo khi tìm việc bao gồm:
- Mô tả công việc quá ngắn và mơ hồ
- Gần như không có danh sách các yêu cầu cụ thể
- Vẽ ra viễn cảnh màu hồng cho ứng viên, hứa hẹn quá mức về tiền lương, phúc lợi.
- Yêu cầu ứng viên trả phí để ứng tuyển.
- Nếu một công việc không có lương cụ thể mà chỉ có tiền hoa hồng hoặc yêu cầu bạn phải tự trả tiền để mua sản phẩm của công ty thì rất có thể đó là một công ty đa cấp.
Một điều quan trọng cuối cùng bạn cần nhớ là tuyệt đối KHÔNG cung cấp bất cứ thông tin cá nhân nào cho bên tuyển dụng cho tới khi bạn hoàn toàn yên tâm nhận việc.
Kết
Mô tả công việc là tài liệu quan trọng bạn nên đọc kỹ trước khi nộp đơn ứng tuyển, trước khi phỏng vấn và trước khi nhận offer để tránh các trường hợp xấu xảy ra.
Trên đây là lời khuyên về cách đọc mô tả công việc. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn lựa chọn được công việc phù hợp với mình.
Cách Đọc Mô Tả Công Việc Để Ứng Tuyển Đúng Nơi Đúng Lúc
Nguồn: glints.com