Tạo ra một đơn xin việc đúng ý có thể sẽ khá khó khăn khi bạn cảm thấy chưa đủ kinh nghiệm hoặc thành tích ấn tượng. Đó là lý do không ít người chọn cách nói dối trong CV để nắm chắc suất được phỏng vấn và đậu việc làm hơn. Tuy nhiên, bịa trong CV có thật sự là giải pháp thông minh?
Có bao nhiêu người đã nói dối trong CV?
Bạn đã bao giờ “chém gió” trong CV hay resume của mình vì muốn gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng chưa? Theo một nghiên cứu được thực hiện với quy mô 1,000 người vào năm 2022, có đến 36% người tham gia trả lời rằng họ đã nói dối trong CV của mình và 93% trong số đó có người quen chọn cách bịa thông tin trong hồ sơ xin việc.
Phần có nhiều người thêm thắt thông tin giả nhất là Kinh nghiệm làm việc, sau đó là mục Kỹ năng và Mô tả công việc.
Một khảo sát khác vào năm 2020 được thực hiện với 400 nhà tuyển dụng và 400 ứng viên. Kết quả là 78% ứng viên thú nhận rằng họ không hoàn toàn thành thật với những gì được viết trong resume. Phần được bịa nhiều nhất là kỹ năng mà họ thực ra rất ít khi dùng đến hoặc thời gian làm việc tại một công ty lâu hơn thực tế.
Trong mắt vài người, một lời nói dối vô hại thì chẳng có gì tổn hại. Thậm chí không ít người còn tự hào và ngang nhiên khoe khoang vì tìm được việc nhờ vào những lời bịa đặt trong CV. Nhưng việc đưa ra thông tin không chính xác trong CV sẽ mang lại những hậu quả khó lường cho bạn.
Nói dối trong CV có sao không?
Hậu quả của việc không thành thật trong hồ sơ xin việc là gì? Nó sẽ ảnh hưởng tới công việc và sự uy tín của bạn trong mắt những người tuyển dụng, từ đó để lại vết đen trong sự nghiệp của bạn.
Mất việc
Nếu bạn nghĩ việc thêm mắm dặm muối vào CV rất khó nhận ra thì có lẽ bạn đã lầm. Việc lời nói và khả năng của bạn có thống nhất hay không sẽ được thể hiện ngay trong cách trả lời phỏng vấn. Còn nếu bạn có qua được vòng interview một cách trót lọt, thì việc bạn không thể hiện được những kỹ năng như trong hồ sơ cũng sẽ làm quản lý nhận ra ngay.
Khi bạn bị phát hiện nói dối trong CV, kể cả sau khi bạn đã hoàn thành phỏng vấn và nhận offer công việc, công ty vẫn hoàn toàn có thể sa thải bạn.
Đọc thêm: Nên Làm Gì Sau Khi Bị Sa Thải?
Đánh mất sự tín nhiệm
Bạn sẽ không chỉ có nguy cơ mất việc mà còn đánh mất uy tín và niềm tin của mọi người dành cho bạn. Khi biết được bạn cố tình nói dối để được tuyển, đồng nghiệp và sếp có thể sẽ nghi ngờ cả về bản chất con người của bạn.
Ngoài ra, việc bạn thiếu trung thực khi xin việc cũng có khả năng “được” biết đến trong ngành và trong vòng tròn quan hệ. Từ đây, cơ hội tìm việc mới hay thăng tiến sẽ bị giới hạn.
Nói dối trong CV có vi phạm pháp luật?
Hồ sơ xin việc không phải tài liệu pháp lý chính thức nên về cơ bản, bịa CV không phải việc phạm pháp.
Tuy nhiên, nó còn tuỳ vào mức độ của sự bịa đặt. Những lời nói dối liên quan đến thông tin cá nhân sẽ được liệt vào danh mục khác.
Ví dụ, những giấy tờ như bằng cấp chứng minh trình độ học vấn, chứng minh nhân dân, hộ chiếu mà làm giả thì chắc chắn bạn sẽ gặp rắc rối. Nếu tiến đến quá trình nộp giấy tờ cho công ty có thể sẽ có nguy cơ dính tội sử dụng giấy tờ giả và bị phạt theo quy định của pháp luật.
Theo điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị định 04/2021/NĐ-CP, người sử dụng giấy tờ giả để xin việc có thể bị phạt từ 5-10 triệu đồng, ngoài ra có thể bị tịch thu văn bằng, chứng chỉ.
Bạn nên làm gì thay vì bịa trong CV?
Vậy để chắc suất được tuyển thì bạn nên làm gì, thay vì “ăn không nói có” trong CV của mình? Bạn hãy tham khảo các cách mà Kabala Career đã tổng hợp như sau:
Tìm hiểu kỹ yêu cầu công việc
Bạn cần đảm bảo đã tìm hiểu các mô tả công việc một cách rõ ràng trước khi tạo mới hoặc cập nhật CV. Hãy thêm các thành tích hay bằng cấp, chứng chỉ uy tín, hỗ trợ cho những kỹ năng và kinh nghiệm của bạn để làm hồ sơ có điểm mạnh hơn.
Cách viết CV lý tưởng nhất vẫn là thành thật chỉ ra những yếu tố, những thành tựu chứng tỏ bạn thật sự phù hợp với công việc.
Cân nhắc viết cover letter
Nếu resume và CV là loại giấy tờ để bạn liệt kê các kinh nghiệm thì cover letter cho phép bạn thể hiện đam mê và hứng thú của mình với vị trí công việc.
Nếu bạn thấy kỹ năng hiện có chưa đủ để bạn chắc chắn có được việc, bạn có thể sử dụng cover letter và giải thích những điểm còn thiếu trong sự nghiệp của mình; và tại sao họ nên tuyển bạn dù bạn chưa có chính xác kinh nghiệm mà họ muốn.
Chẳng hạn, nếu họ tìm ứng viên với 3 năm kinh nghiệm nhưng bạn chỉ mới có 1- 2 năm kinh nghiệm, bạn có thể diễn đạt là dù trước đó làm việc trái ngành, bạn vẫn luôn dành thời gian nghiên cứu và trau dồi các kiến thức chuyên môn cho ngành mà bạn đang ứng tuyển.
Đọc thêm: Tổng Hợp Các Mẫu Cover Letter Bằng Tiếng Anh Hay
Trung thực luôn là ưu tiên số 1
“Khôn ngoan chẳng lọ thật thà,
Lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy.”
Những thứ được xây dựng trên cơ sở niềm tin và sự thật thì mới có thể kéo dài. Do đó, thay vì trang trí CV với những điều không tồn tại, bạn nên dành thời gian cải thiện kỹ năng và làm giàu kinh nghiệm cho mình.
Chẳng hạn, bạn có thể tham gia các khoá học, các dự án đặc biệt ở trường học/chỗ làm, hay trải nghiệm tại các tổ chức phi lợi nhuận để có thêm kinh nghiệm thực tế trong thời gian gap year hoặc nghỉ hè.
Kể cả bạn chưa đủ kinh nghiệm để làm nhiệm vụ chính, việc bạn sở hữu một “cái nền” vẫn đảm bảo bạn được tuyển hơn là nói dối. Mặc dù vị trí sẽ thấp hơn vì bạn chưa có đủ trải nghiệm, bạn vẫn có cơ hội tiếp xúc với ngành nghề bạn thích hoặc muốn thử thách.
Và nếu bạn cảm thấy bạn phải nói dối thì mới được tuyển, có lẽ bạn nên xem lại xem liệu công việc này có thật sự phù hợp với mình hay không.
Lời kết
Nói dối trong CV, không phải ai cũng dám thú nhận, nhưng chắc hẳn không ít người đã thêm thắt không nhiều thì ít vào hồ sơ xin việc của mình. Nhưng hãy nhớ rằng “lời nói dối vô hại” này có thể có ảnh hưởng rất xấu tới uy tín và cơ hội phát triển trong tương lai của bạn.
Do đó, hãy thật sự tập trung phát triển bản thân và thành thật trong CV để có được một sự nghiệp vững chắc nhé.
Đọc thêm: Top 40 Câu Hỏi Tình Huống, Hành Vi Trong Phỏng Vấn
Nói Dối Trong CV Sẽ Đem Lại Hậu Quả Như Thế Nào?
Nguồn: glints.com