Quiet quitting là xu hướng phổ biến được nhiều người biết đến, nhất là vào giai đoạn sau Đại dịch Covi-19. Thế còn loud quitting, bạn đã nghe đến bao giờ chưa?
Năm trước, có rất nhiều thông tin bàn tán sôi nổi về nghỉ việc thầm lặng – chỉ làm việc như đúng mô tả công việc, không hơn không kém. Thế hệ Z là một trong số những người dẫn đầu xu hướng này.
Giờ đây, nhiều lao động trẻ lựa chọn một cách khác để nói về chuyện nghỉ việc – tạo ra ồn ào nhất có thể bằng việc phát trực tiếp đơn hoặc tin nhắn xin từ chức của họ trên Tiktok. Và thế là hashtag #Quittok ra đời.
Vậy chính xác thì Quittok là gì?
Quittok là kết hợp của hai từ Quitting và Tiktok. Quittok là hành động thông báo nghỉ việc trên Tiktok. Người nghỉ việc sẽ quay video hoặc phát trực tiếp để thông báo về chuyện nghỉ việc của mình. Họ thường đọc toàn bộ đơn xin nghỉ việc hoặc cuộc trò chuyện giữa họ với cấp trên khi xin nghỉ.
Jeremy Reis, tác giả và người sáng lập Explore Startups có trụ sở tại Tennessee gọi phong trào Quittok là “một thủ đoạn kỳ quặc trên mạng xã hội” khi mà giới trẻ đang từ bỏ công việc của mình thông qua một video trực tiếp. Chúng ta bắt gặp một số người nghỉ việc tại văn phòng hoặc nơi làm việc, trong khi có những người đăng tải về nghỉ việc ngay trong sự an toàn của ngôi nhà mà họ đang sống.
Quittok bắt nguồn từ đâu?
Một số video phát trực tiếp về chuyện từ chức đã có từ vài năm trước. Ví dụ như trường hợp những công nhân của McDonald’s đồng loạt rời đi giữa ca làm, sau đó đăng video về việc này vào tháng 6 năm 2021. Video đó đã thu hút hơn 16 triệu lượt xem.
Xu hướng này lại một lần nữa trở nên rầm rộ. Con số hashtag #Quittok ngày càng gia tăng trên nền tảng video ngắn phổ biến nhất hiện nay – Tiktok.
Các video ngắn trên Tiktok với lượt xem cao thường có nội dung gây shock, hài hước và hấp dẫn. Chúng có thể nhanh chóng lên top xu hướng và trở nên phổ biến sang cả những nền tảng khác như Facebook và Twitter.
Tại thời điểm viết bài, #Quittok đã thu về hơn 40 triệu lượt xem trên Tiktok.
Đọc thêm: Rage Applying Là Gì, “Over Hợp” Với Gen Z Như Thế Nào?
Tại sao mọi người lại sử dụng TikTok để nói cho cả thế giới biết rằng họ nghỉ việc?
Quittok có thể nhanh chóng khuếch đại thông tin của người sử dụng nó. Thực tế là nó có thể mang lại lượt tương tác “khủng” cho họ. Tại Mỹ, Tiktok có tới 150 triệu người dùng. Không khó để một video gắn hashtag #quittok viral khi vấn đề nghỉ việc vốn đã thu hút sự chú ý của lực lượng lao động trẻ hiện nay.
Ben Austin, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Absolute Digital cho biết “Nguồn gốc của #Quittok có thể không rõ ràng, tuy nhiên có một điều chúng ta biết là nó ngày càng trở thành một xu hướng phổ biến tại nơi làm việc. Nó khuyến khích người trẻ đứng lên vì sức khỏe, hạnh phúc của chính họ và cho mọi người thấy rằng không phải lúc nào tiền cũng quan trọng.”
Ai đang thúc đẩy xu hướng này? Tại sao?
Câu trả lời là Gen Z – tác giả của rất nhiều xu hướng khác. “Nhưng họ không được coi là “thế hệ từ bỏ” (generation quit)”, Joe Brailsford CEO của Seed một doanh nghiệp giúp thương hiệu hiểu hơn về thế hệ Z nhấn mạnh. “Ngược lại, Gen Z rời bỏ công ty không phải vì họ lười hay có quyền làm vậy. Đó là do văn hoá làm việc độc hại và những giá trị mà họ đặt ra để có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Họ vẫn háo hức leo lên nấc thang sự nghiệp nhưng chỉ dành cho công ty phù hợp.”
Giám đốc Ben Austin cũng đồng ý rằng Gen Z đang thúc đẩy xu hướng Quittok. Việc lớn lên trong thời đại Internet, đối với Gen Z việc cập nhật các sự kiện, cột mốc quan trọng hay chỉ là những khoảnh khắc nhỏ nhoi hàng ngày rất đỗi bình thường. Nó như một nghi thức không thể thiếu. Nhưng không may, nghi thức này đã xâm nhập vào nơi làm việc.
Tìm hiểu Gen Z là gì để biết tại sao họ lại trở thành một nhân tố quan trọng trong trào lưu này.
Lợi ích của Quittok là gì?
Ngoài việc là một lời thông báo nghỉ việc của người lao động, trào lưu Quittok dường như tự nó trở thành một dấu hiệu hoặc một lời cảnh báo đối với các công ty về các lý do tiêu cực khiến nhân viên nghỉ việc.
Mike Jones, nhà tư vấn về phúc lợi và sự gắn kết của nhân viên, đồng thời là người sáng lập Better Happy cho biết: “Xu hướng này tạo ra trách nhiệm giải trình triệt để cho các doanh nghiệp. Nếu người quản lý tồi, anh ta chắc chắn sẽ bị réo tên.”
Christina Zumbo, một người đã thực hiện Quittok vào năm ngoái đã chia sẻ với BBC rằng: “Hành động như vậy làm tăng sự tự tin cho người đăng chúng. Hơn thế, nó thể hiện rằng bạn kiểm soát được hạnh phúc của chính mình, bạn được đưa ra quyết định cho cuộc đời mình và đôi khi công việc chỉ là công việc, nó không phải là toàn bộ con người bạn.”
Đọc thêm: Giới Trẻ Đang Ngày Càng Bất Mãn Trong Công Việc Và Đây Là Lý Do Tại Sao
Mặt tối của Quittok là gì?
Ngoài những video thông báo nghỉ việc bình thường như lời chia tay nhẹ nhàng với đồng nghiệp, Quittok bao gồm cả những video mọi người chia sẻ nguyên nhân khiến họ nghỉ việc. Điều đáng chú ý là những nguyên nhân này không mấy “có lợi” đối với công ty.
Nhận xét về xu hướng này, Mike Jones nói thêm rằng: “Những người thực hiện quittok không thực sự chuyên nghiệp. Việc này có thể khiến họ gặp khó khăn khi tìm việc trong tương lai.” Ông cũng nói rằng các nhà quản lý và lãnh đạo của doanh nghiệp có thể lo sợ xu hướng này là thứ “vũ khí chống lại họ”. Và phản ứng của họ là liên tục làm hài lòng nhân viên. Tuy nhiên, nhà sáng lập Better Happy cũng cảnh báo rằng phản ứng này sẽ không có lợi cho cả công ty lẫn nhân viên.
Austin cũng đồng tình rằng Quittok không phải là một nước đi tốt cho cả nhân viên sắp nghỉ việc và doanh nghiệp. Những video Quittok giống như đang “vạch áo cho người xem lưng”. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp khi định kiến đối với công ty được hình thành trong lực lượng lao động sau khi họ xem video.
Theo một góc độ khác, Austin khuyên những người đăng tải hãy xem xét hậu quả về lâu về dài của việc công khai những thông tin như vậy. “Các bạn phải cẩn thận vì một khi dấn thân vào cuộc cách mạng truyền thông xã hội này, các nhà tuyển dụng tương lai sẽ dễ dàng tiếp cận với những dấu ấn mà bạn để lại trên Internet. Điều này có nghĩa là triển vọng nghề nghiệp tương lai của bạn có thể bị cản trở.”
Gen Z cũng cần cân nhắc về cách thể hiện này trong bối cảnh họ vốn được xem là thế hệ thích nhảy việc trong mắt mọi người.
Jeremy Reis, người sáng lập Explore Startups đặt ra câu hỏi: “Liệu bạn có muốn thuê một nhân viên có khả năng sẽ nói xấu công ty qua một video gắn mác #Quittok không?”
Nhà tuyển dụng có thể bỏ qua những ứng viên đã từng làm Quittok vì lo ngại danh tiếng của công ty có thể bị huỷ hoại một lúc nào đó.
Doanh nghiệp nên làm gì để Gen Z nói riêng và nhân viên nói chung không “nghỉ việc qua mạng xã hội”?
Brailsford cho rằng điều quan trọng là xây dựng văn hoá chịu trách nhiệm thay vì văn hoá đổ lỗi. Bên cạnh đó, công ty cần thiết kế cho mỗi nhân viên một kế hoạch phát triển rõ ràng, giúp mỗi người xác định lĩnh vực và mục tiêu mà họ muốn phát triển. Điều cuối cùng ông gợi ý là cho phép nhân viên được làm việc với những khách hàng hoặc dự án mà họ đam mê.
Những cách thức trên có thể giảm tỷ lệ nghỉ việc đồng thời nếu nhân viên nghỉ việc, họ cũng hiếm có lý do gì để lên Quittok gây khó dễ cho công ty.
Bài viết bởi WorkLife và được biên tập bởi Kabala Career. Vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.
Quittok Là Gì? Trào Lưu “Tôi Nghỉ Việc, Cả Tiktok Biết”
Nguồn: glints.com